Mùa đông nóng - lạnh thất thường
Theo các chuyên gia khí tượng, thời tiết mùa đông năm nay ở miền Bắc khá thất thường, lúc nóng thì rất nóng và khi rét cũng rất rét.
Cụ thể, thời tiết ở Hà Nội từ đầu tháng 2 tới nay, nhiệt độ có ngày lên tới 29-30 độ, cảm giác nóng như mùa hè. Nhưng gần cuối tháng 2 vẫn xảy ra rét hại bất thường, nhiệt độ giảm xuống 13 độ và kéo dài 7-8 ngày.
Khi đó, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết, Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia khẳng định, đây không phải là đợt kéo dài nhất trong nhiều năm qua ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, nhưng 7-8 ngày cũng là điều đặc biệt.
Miền Bắc xảy ra đợt rét đậm kéo dài hồi cuối tháng 2. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.
Đồng thời, ở Nam Bộ, tình trạng nắng nóng diện rộng kéo dài triền miên. Mưa có xu hướng thiếu hụt so với trung bình nhiều năm (TBNN), dẫn đến xâm nhập mặn gia tăng hơn, gay gắt hơn năm 2023.
Các chuyên gia cho rằng, biến đổi khí hậu và hiện tượng El Nino đã gây ra tình trạng thời tiết dị thường.
Mới đây, đánh giá tình hình khí tượng trong tháng qua, TS. Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cũng cho biết, từ tháng 2 đến nay, đã xuất hiện 3 đợt nắng nóng diện rộng ở Đông Nam Bộ. Ngoài ra, một số nơi ở Tây Bắc và Bắc Trung Bộ cũng xuất hiện nắng nóng cục bộ. Nhiệt độ cao nhất trong ngày phổ biến từ 35-36 độ, có nơi trên 37 độ; thậm chí, nhiều nơi có giá trị nhiệt độ cao nhất tuyệt đối ngày vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ.
Trong khi nắng nóng có những sự đột biến về nhiệt thì lạnh cũng có nhiều thất thường. Theo ông Lâm, thời kỳ từ tháng 1 đến 12/3, có 7 đợt không khí lạnh (KKL), trong đó 3 đợt rét đậm, rét hại diện rộng.
Ngoài ra, tháng 2 xuất hiện nhiều ngày mưa nhỏ, mưa phùn và sương mù tại khu vực Đông Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Đáng chú ý, trong tháng, một số nơi có lượng mưa ngày, tháng vượt giá trị lịch sử cùng thời kỳ
Nắng nóng sớm và khả năng phá kỷ lục nhiệt độ
Theo TS. Hoàng Phúc Lâm, dự báo El Nino sẽ suy yếu dần và chuyển sang trạng thái trung tính trong khoảng từ tháng 4-6/2024 với xác suất 75-80%.
Thời kỳ này, không khí lạnh hoạt động yếu dần về cường độ, trong nửa cuối tháng 3, rét đậm, rét hại chỉ xuất hiện cục bộ ở vùng núi phía Bắc. Hiện tượng mưa nhỏ, mưa phùn ở khu vực Bắc Bộ cũng nhiều hơn TBNN trong thời kỳ nửa cuối tháng 3.
Nắng nóng đến sớm, khả năng phá kỷ lục về nhiệt độ. Ảnh minh họa: Thạch Thảo.
Từ tháng 4, KKL hoạt động yếu và ít có khả năng xuất hiện rét đậm, rét hại; mưa nhỏ, mưa phùn cũng giảm dần và chỉ xảy ra ít ngày ở vùng ven biển phía Đông Bắc Bộ.
Ông Lâm cảnh báo, trên phạm vi cả nước có khả năng xảy ra các hiện tượng thời tiết nguy hiểm như giông, lốc, sét, mưa đá và gió giật mạnh; đặc biệt trong các đợt KKL ảnh hưởng đến nước ta trong thời kỳ chuyển mùa (tháng 4-5).
Về diễn biến nắng nóng mùa hè tới, ông Lâm cho biết, tại khu vực Tây Bắc Bắc Bộ và Trung Bộ nắng nóng đã xảy ra sớm. Trong nửa cuối tháng 3, nắng nóng xuất hiện ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, vùng núi phía Tây thuộc Bắc Trung Bộ; sau đó gia tăng về cường độ và mở rộng dần sang các nơi khác của khu vực Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ vào tháng 4-6.
Nắng nóng tại khu vực Nam Bộ tiếp tục duy trì trên khu vực miền Đông và sẽ mở rộng dần sang khu vực miền Tây từ nửa cuối tháng 3 đến nửa đầu tháng 5.
Khu vực Tây Nguyên và Nam Bộ tình trạng khô hạn còn tiếp diễn trong thời kỳ tháng 4. Ở khu vực Trung Bộ khả năng xuất hiện khô hạn kéo dài trong thời kỳ từ tháng 4-6.
Bên cạnh đó, ông Lâm nhận định, mùa mưa tại Bắc Bộ có khả năng xuất hiện phù hợp với quy luật khí hậu. Mùa mưa tại Tây Nguyên và Nam Bộ xuất hiện muộn, thời kỳ từ tháng 6, gió mùa Tây Nam có xu hướng hoạt động mạnh hơn so với trung bình.
Về nhiệt độ trung bình, từ tháng 4-5, trên phạm vi toàn quốc vẫn cao hơn so với TBNN khoảng 1-2 độ, có nơi cao hơn; tháng 6, cao hơn từ 0,5-1,5 độ.
Nhận định xa hơn, ông Lâm thông tin, thời kỳ từ tháng 7-9/2024, dự báo ENSO có khả năng chuyển sang trạng thái La Nina với xác suất 55-65%.
Đây là thời kỳ bão/ATNĐ có khả năng xuất hiện khoảng từ 4-6 cơn trên Biển Đông và khoảng 1-2 cơn ảnh hưởng đến đất liền.
Đồng thời, trong tháng 7-8, nắng nóng và nắng nóng gay gắt có khả năng xuất hiện nhiều hơn ở Bắc và Trung Bộ so với TBNN; đề phòng xảy ra nắng nóng đặc biệt gay gắt. Nắng nóng có xu hướng giảm dần từ nửa cuối tháng 8 ở Bắc Bộ và từ tháng 9 ở khu vực Trung Bộ.
Thời tiết khó dự báo
Nhận định thêm về tình hình nắng nóng trong mùa hè tới, ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng dự báo thời tiết cho biết, do nền nhiệt cả nước vẫn cao hơn trung bình năm từ 0,5-1,5 độ nên nắng nóng ở khu vực Bắc và Trung Bộ trong giai đoạn tới sẽ gay gắt hơn so với TBNN, khả năng xảy ra các điểm nắng nóng kỷ lục.
Ngoài ra, ông Hưởng cũng cảnh báo, tháng 3, 4 là hai tháng đỉnh điểm nắng nóng ở khu vực Nam Bộ và các tỉnh Tây Nguyên, sẽ có nhiều ngày xảy ra nắng nóng, không loại trừ xảy ra nhiệt độ kỷ lục trong thời gian tới.
Các chuyên gia khí tượng lưu ý, trong giai đoạn chuyển từ El Nino sang La Nina, thời tiết thường có những diễn biến bất thường, ngoài quy luật và khó dự báo do chưa có sự ổn định của hệ thống hoàn lưu quy mô lớn. Khi đó các hệ thống quy mô nhỏ hơn sẽ tác động đến thời tiết nhanh hơn nên rất khó dự báo.
Theo VietNamNet.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email:
saoonline.net.vn@gmail.com