Tác giả Nguyễn Hiếu Tín tái bản “Thư pháp là gì?” sau 16 năm “xa cách”

Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín hiện là Trưởng Bộ môn Du Lịch, Trường đại học Tôn Đức Thắng, anh còn được nhiều người biết đến là một nhà thư pháp tài hoa, nhà sưu tập tem có hạng với nhiều giải thưởng lớn trong và ngoài nước, là chiếc cầu nối đưa các bạn trẻ tìm đến nghệ thuật và văn hóa Việt Nam. Hiếu Tín vừa mới tái bản quyển sách đầu tay của mình “Thư pháp là gì?” sau 16 năm “xa cách” ( Sách do NXB Hồng Đức ấn hành). Một quyển sách rất ấn tượng, thiết kế công phu và nhiều tư liệu giá trị.


Thạc sĩ Nguyễn Hiếu Tín

Tác giả dường như đã trải qua một cuộc hành trình đầy đam mê, và đã cảm nhận được phần nào thần/ hồn của từng con chữ qua thế giơi Chữ viết và nghệ thuật viết chữ xưa và nay. Như một hướng dẫn viên du lịch chuyên ngành, anh đã tỏ ra rất hứng khởi khi được hân hạnh đưa khách tham quan những tour văn hóa vùng trọng điểm đầy thú vị. Đó là những đặc điểm Thư pháp Trung Quốc, Thư pháp Nhật Bản, Thư pháp Triều Tiên, Thư pháp Tây Tạng, Thư pháp Arập ở các quốc gia Hồi giáo, Nghệ thuật viết chữ ở các nước châu Âu, phân tích Sự khác biệt thư pháp phương Đông và nghệ thuật viết chữ phương Tây,..Khi đã mãn nhãn những đặc điểm về nghệ thuật và nguồn gốc các vùng văn hóa, tác giả đưa chúng ta trở ngược về Truyền thống và hiện đại thư pháp Việt Nam theo trình tự nhất định: Thư pháp chữ Hán, chữ Nôm ở Việt Nam để rồi giới thiệu vườn hoa Thư pháp chữ Việt, tức chữ Quốc ngữ. Ở đó anh không quên nêu lên Thế và Lực trong lĩnh vực này, bởi đó chính là điểm nhấn và cũng chính là điều mà anh cố công đi tìm từ hơn 100 tài liệu tham khảo bao gồm các sách báo, tạp chí tiếng Việt và ngoại văn, cùng là những tư liệu Internet, trên các đài truyền hình, các tập tranh thư pháp,… và trên 150 hình ảnh, lược đồ, phụ bản minh họa. Qua đó chúng ta bắt gặp những cái đẹp đầy hồn tính. Nó đã giải quyết thỏa đáng vấn đề nêu ra: Thư pháp là gì?





Tác giả Nguyễn Hiếu Tín bên tác phẩm mới của mình

Trao đổi về thư pháp chữ Việt, đúng như tác giả đã viết, nếu hội họa là nghệ thuật của màu sắc và đường nét, âm nhạc là nghệ thuật của âm thanh, tiết tấu, thơ văn là nghệ thuật của ngôn từ, thì thư pháp là nghệ thuật của văn tự. Mà văn tự thì được tạo thành từ đường nét (còn gọi là nét, bút, hay họa…). Nét có được nhờ vào bàn tay người nghệ sĩ, mà bàn tay người nghệ sĩ lúc làm công việc sáng tạo thì lại luôn nằm dưới sự chi phối của trái tim anh ta. Thế và Lực ở bàn tay người nghệ sĩ chính là sự thể hiện các cung bậc tình cảm trước hiện thực cuộc sống. Một nét nhấn, một nét lướt, một nét đậm, một nét nhạt đều có tiếng nói riêng của mình và chúng phối hợp với nhau tạo thành một chỉnh thể tác phẩm thư pháp, người thưởng thức, người chơi thư pháp cần có sự tu dưỡng về trình độ thẩm mỹ, xuất phát điểm là từ những điều cơ bản ấy. Tác giả còn có ý cho rằng: “nghệ thuât thư pháp phương Đông” và “nghệ thuật viết chữ phương Tây” – dù khác nhau về phương tiện, hình thức, mục đích…nhưng chúng lại gặp nhau ở Cái Đẹp. Mọi tìm kiếm sáng tạo của các loại hình nghệ thuât, dù Đông hay Tây, dù hướng nội hay hướng ngoại đều đi về chân trời Mỹ học – cho dẫu khái niệm mỹ học người ta vẫn đang còn những quan điểm dị đồng khá phức tạp.



Được biết đây là tác phẩm đầu tay của Nguyễn Hiếu Tín, sau 16 năm, nay mới được tái bản

Điểm nổi bật của tác phẩm là đi tìm một số đặc điểm chung của nhệ thuật thư pháp, làm nổi bật được cái riêng của từng loại hình thư pháp ở mỗi dân tộc. Từ đó nhận ra một số nét đặc trưng văn hóa ở từng dân tộc đó, nhằm minh chứng vai trò quan trọng của văn hóa trong nghệ thuật. PGS.TS. Trần Hồng Liên nhận xét: “Giá trị của tác phẩm chính là đã nêu lên được tính sáng tạo trong đặc trưng tộc người Việt, góp phần phát huy và bảo tồn bản sắc văn hoá của dân tộc Việt Nam trong quá trình hội nhập và xu thế toàn cầu hoá. Qua tác phẩm chúng ta thấy được ngọn lửa nhiệt tình của thế hệ trẻ tiến vào lĩnh vực nghệ thuật, biết cảm nhận và thể hiện tâm hồn của mình qua ngòi bút sắc bén và nồng ấm niềm đam mê đối với thư pháp chữ Việt”





Bìa tác phẩm “Thư pháp là gì?” của tác giả Nguyễn Hiếu Tín

Có thể nói, tác phẩm “Thư pháp là gì?” của tác giả trẻ Nguyễn Hiếu Tín đã đáp ứng đúng lúc, đúng thời cho phong trào “Thư pháp Việt” đang thịnh hành và đang rất nóng hỏi hiện nay. Thư pháp, như vậy từ truyền thống đến hiện đại – tự thân – nó đã nội hàm tính nghệ thuật của một loại hình văn hóa đặc thù. Nó là linh hồn là sự sống của các con chữ. Hòa Thượng Minh Đức Triều Tâm Ảnh đã chia sẻ: “Một tìm kiếm về tư tưởng, lý luận hoặc một công trình nghiên cứu với nhiều thao tác tư duy, nhiều nguồn tham khảo như tác phẩm này là hiện tượng văn hóa đáng được quan tâm, khích lệ, tán thán; vừa tiếp truyền được hơi thở truyền thống của dân tộc, vừa mở đường khiêm tốn cho “thư pháp Việt” bước đi một cách tự tin, vững chãi hơn...Cảm ơn “người bạn trẻ, rất trẻ” Nguyễn Hiếu Tín đã cho tôi đọc một tác phẩm nghiên cứu công phu mà nếu thiếu nhiệt huyết, đam mê; thiếu thời gian, kiến thức và tế bào não thì không thể làm được. Nó cần cả tâm và trí vậy”.



Thật vậy, nếu là người có để tâm đến các vấn đề về thư pháp, từng băn khoăn “Thư pháp là gì?” thiết nghĩ rất nên đọc quyển sách khá hay, lý thú và trí tuệ này.

Duy England
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com