Nghịch lý về bộ phim hài đen của Leonardo DiCaprio

Trong khi giới phê bình không đánh giá cao nội dung của "Don't Look Up", các nhà khoa học lại hài lòng với thông điệp mang tính thời sự, cấp bách mà bộ phim mang lại.

Theo Yahoo News, biến đổi khí hậu là vấn đề cấp bách trên phạm vi toàn cầu nhưng thường xuyên bị xã hội phớt lờ. Giờ đây, Don’t Look Up - bộ phim hài đen của đạo diễn Adam McKay - đang thẳng thắn chỉ ra điều đó.

Trong khi nhiều nhà phê bình không đánh giá cao nội dung phim, các nhà khoa học về khí hậu, môi trường lại ấn tượng với tác phẩm. Don’t Look Up được cho là cuộc đấu tranh của các nhà khoa học trong việc hoạch định chính sách đối phó, truyền đạt tính cấp thiết của cuộc khủng hoảng toàn cầu.



Don't Look Up chỉ được đánh giá 55% trên Rotten Tomatoes và 6,4 điểm trên Metacritic. Ảnh: Netflix.

Cơn mưa lời khen từ giới khoa học

Trong phim, các chính trị gia bao gồm tổng thống xem mối đe dọa đối với sự tồn tại của nhân loại là lợi ích chính trị. Các nhà lãnh đạo công nghệ lại ưu tiên vấn đề lợi nhuận. Tiêu đề phim cũng châm biếm nhóm đối tượng phủ nhận thiên văn học, cho rằng sao chổi là những vấn đề đơn giản.

"Tôi thực sự thức đến nửa đêm để chờ đợi và thưởng thức bộ phim. Tôi vừa khóc vừa cười vì nó đã gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh rất đúng lúc”, Lisa Graumlich, chủ tịch của Liên minh Địa vật lý Mỹ, giáo sư tại trường Môi trường và Rừng thuộc ĐH Washington, nói.

Một yếu tố khác trong phim được các nhà khoa học tâm đắc là cách đối xử nông cạn, thậm chí phiến diện với lời cảnh báo của nhà khoa học từ phương tiện truyền thông.

Trong một phân cảnh, các nhà khoa học đưa phát hiện sao chổi lên một tờ báo, sau đó lại trở thành trò câu khách trong một chương trình truyền hình. Nhà khoa học Graumlich cho rằng thái độ tuyệt vọng, giận dữ của Jennifer Lawrence trong phim giống với cô ngoài đời.

“Việc không được coi trọng, đôi khi bị báo chí chế giễu, các chính trị gia thì xem thường gợi lại những gì chúng tôi đã trải qua”, cô nói.



Sự bất lực của hai nhân vật chính trong phim được nhiều nhà khoa học đồng cảm. Ảnh: Netflix.

Graumlich nhớ lại trải nghiệm tuổi trẻ khi còn là sinh viên giống với nhân vật của Lawrence trong phim. Cô từng nghiên cứu về vành đai cây, từ đó phân tích quá trình biến đổi khí hậu là do vấn đề tự nhiên hay con người gây ra.

Khi nghiên cứu của tôi được đăng trên New York Times, tôi rất tự hào. Hôm sau, Rush Limbaugh lại lấy điều đó giễu cợt tôi và nghiên cứu của tôi. Anh ấy nói tôi thật ngốc nghếch khi cho rằng bản thân hiểu về biến đổi khí hậu chỉ thông qua các vành đai cây.

Với một số nhà khoa học khí hậu, cách phương tiện truyền thông đưa tin trong Don't Look Up tương tự cách toàn xã hội Mỹ phản ứng với biến đổi khí hậu. “Rõ ràng là phim có lời chỉ trích về phương tiện truyền thông. Với tôi, họ muốn châm biếm vấn đề xã hội”, nhà khoa học khí hậu của UCLA, Daniel Swain, nói.

Swan cho rằng ông thường nói những vấn đề mang tính góp ý và xây dựng với nhà báo. Song, những lời chỉ trích về sự thao túng truyền thông của thế lực đằng sau trong phim hoàn toàn đúng.

“Biến đổi khí hậu không giống như vật thể vật chất lao thẳng tới Trái Đất và lập tức xóa sổ nhân loại. Vào thời điểm này, có một số điều đáng báo động là chúng ta đang thờ ơ với vấn đề toàn cầu, trong khi thảm họa về khí hậu vẫn cứ diễn ra”, chuyên gia nói.

Tất nhiên, mối đe dọa về biến đổi khí hậu không nhanh chóng như cách sao chổi va vào Trái Đất trong vòng chưa đầy bảy tháng. Các nhà khoa học phát hiện biến đổi khí hậu xảy ra từ đầu thế kỷ 19, nó diễn ra chậm chạp đến nỗi những người quan sát chỉ mới cảm nhận được trong những thập kỷ gần đây.

Các nhà khoa học cho rằng vấn đề sao chổi trong Don't Look Up liên quan nhiều đến đời thực, bao gồm thách thức chính trị và kinh tế đối với việc huy động công chúng chống lại bất kỳ mối đe dọa nào trong tương lai.

Kerry Emanuel, giáo sư khoa học khí quyển tại Viện Công nghệ Massachusetts, nói: “Đó là kiểu châm biếm tiết lộ nguy cơ tiềm ẩn. Sự thật là các nhà khoa học ngày càng phát rồ vì họ không được truyền thông lắng nghe, các chính trị gia thì phớt lờ”.

Christopher Field, giám đốc Viện Môi trường Stanford Woods, giáo sư nghiên cứu liên ngành về môi trường tại ĐH Stanford, nói ông rất thích thông điệp của phim.

"Nội dung phim kích thích tư duy về nhiều vấn đề. Đó là câu chuyện ngụ ngôn về biến đổi khí hậu. Tôi rất thích cái nhìn sâu sắc về những thất vọng và cám dỗ mà các nhà khoa học đang đối mặt. Chỉ khác là biến đổi khí hậu không khiến sự sống kết thúc trong 6 tháng 14 ngày như trong Don't Look Up", ông nói.

Vấn đề cấp bách về biến đổi khí hậu, tương lai con người

Don't Look Up cũng ghi lại cách mà nhân loại đã trì hoãn hành động để giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, chẳng hạn như việc chuyển đổi từ nhiên liệu hóa thạch sang các nguồn năng lượng sạch. Quá trình này lâu đến mức hiện tại nó đòi hỏi phải có những hành động lớn, nhanh và quyết liệt hơn.

“Không có phép ẩn dụ nào là hoàn hảo, nhưng có hai khía cạnh của nó đủ khả năng để so sánh với vấn đề khí hậu: Một là điều gì sẽ xảy ra trong tương lai mà hiện tại chưa thấy, hai là càng trì hoãn càng khó để xử lý”, Emanuel nói.

“Nói dễ hiểu, nếu bắt gặp thiên thạch hoặc tiểu hành tinh từ xa, chúng ta không cần nhiều năng lượng để đối phó. Nếu để đến phút cuối, chúng ta phải tác động lực rất lớn vào nó. Đến lúc nào đó, loài người không đủ khả năng để làm gì. Biến đổi khí hậu cũng vậy. Nếu hành động cách đây 40 năm, loài người không mất nhiều công sức và sẽ ổn đến ngày nay. Và hiện tại, nếu cứ phớt lờ và cho rằng đó là vấn đề của thế hệ sau, nó ngày càng nguy hiểm hơn. Một lúc nào đó, chúng ta hoàn toàn bế tắc”, chuyên gia giải thích thêm.



Don't Look Up châm biếm xã hội và chính phủ Mỹ trong bối cảnh đất nước và nhân loại nói chung đối mặt nhiều vấn đề nguy hiểm. Ảnh: Netflix.

Trên thực tế, một số nhà khoa học trước đây sử dụng phép loại suy của vật thể ngoài không gian để nói về vấn đề khí hậu. “Hãy tưởng tượng tiểu hành tinh khổng lồ đang trên đường va chạm Trái Đất. Nó tương đương vấn đề biến đổi khí hậu đang gây ra hiện tại”, James Hansen, cựu giám đốc lâu năm của Viện Nghiên cứu Không gian Goddard từ NASA, nói.

Hansen lưu ý rằng Don't Look Up lặp lại sự quan sát của riêng ông về chương trình, nhận thức và giải pháp về khoa học khí hậu được thực hiện tại Đại học Columbia.

Ông chỉ ra sự tương đồng giữa kịch bản phim và nghiên cứu của mình. "Các nhà khoa học rất thất vọng khi công chúng phớt lờ về tiểu hành tinh và cả biến đổi khí hậu. Nếu các nhà lãnh đạo không hành động thì những người trẻ và thế hệ con cháu phải lãnh hậu quả", Hansen nói.

Một số nhà khoa học khí hậu lại liên tưởng nội dung phim với đại dịch Covid-19, các mối đe dọa khác về vấn đề an toàn và sức khỏe cộng đồng. "Bị phớt lờ là điều khó chịu với các nhà khoa học khí hậu, cũng như toàn ngành y tế đang cố gắng yêu cầu người dân mang khẩu trang và tiêm vaccine", Emanuel nói.

“Don't Look Up liên quan đến nhiều vấn đề mang quy mô toàn cầu, từ khí hậu đến đại dịch. Đó là việc mặc dù có bằng chứng cụ thể nhưng nó hoàn toàn bị phớt lờ. Trong khi mọi chuyện có thể được giải quyết nếu xã hội và chính phủ Mỹ làm đủ nhanh", Swain nói.

Ông cũng nhận thấy việc con người thờ ơ với việc biến đổi khí hậu khiến bản thân mình là người lạc hậu. Thông điệp "Don't Look Up - Đừng nhìn lên" của phim dần trở thành thứ được nhiều người tin tưởng.

Ngày 30/12/2021, Swain than vãn trên trang cá nhân: “Thực sự mệt mỏi khi sống trong bộ phim thảm họa đời thực”. Ông đề cập đến đám cháy rừng kinh hoàng tàn phá hạt Boulder, Colorado hồi tuần trước. Swan cho rằng đây là sự cố bất thường vào mùa đông, khả năng do biến đổi khí hậu và đại dịch Covid-19 gây ra.

"Tôi sốc khi không có nhiều chương trình cảnh báo về biến đổi khí hậu. Tại sao không có nhiều bộ phim nói về vấn đề này?", Swain nói với Yahoo News.

Có lẽ, sau việc Don't Look Up được chú ý, Hollywood sẽ phải suy nghĩ lại.

Theo zing.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com