Cái chết của Iron Man tạo nên đột phá cho ‘Spider-Man: No Way Home’

Cái chết của Iron Man từ hồi kết “Avengers: Endgame” (2019) là sự chuẩn bị hoàn hảo cho cao trào trong “Spider-Man: No Way Home”.

*Lưu ý: Bài viết tiết lộ tình tiết trong bộ phim Spider-Man: No Way Home.

Trong hồi kết của Avengers: Endgame (2019), để cứu vũ trụ khỏi sự hủy diệt của Thanos (Josh Brolin), Iron Man (Robert Downey Jr.) đã quyết định hy sinh thân mình. Cái chết của vị siêu anh hùng làm nên cao trào bi tráng, biến Iron Man trở thành một vị thánh tử vì đạo.

Không những vậy, sự ra đi của Tony Stark cũng giúp anh thực hiện vẹn toàn vai trò người dìu dắt Spider-Man (Tom Holland). Hơn hai năm kể từ sự ra đi ấy, hình bóng Tony Stark vẫn hiện hữu trong cuộc đời Peter Parker, truyền cảm hứng mạnh mẽ cho những quyết định của cậu với tư cách siêu anh hùng Spider-Man.

Sự gắn bó đặc biệt giữa hai siêu anh hùng

ScreenRant nhận xét từ lần xuất hiện đầu tiên trong Vũ trụ Điện ảnh Marvel, Spider-Man đã luôn sống dưới cái bóng của Tony Stark. Vị tỷ phú kiêm siêu anh hùng đã sử dụng công nghệ tiên tiến do mình sáng chế giúp Peter Parker cải tiến bộ giáp thô sơ. Anh cũng là người giúp đỡ Spider-Man trẻ tuổi mỗi khi cậu nhóc gặp khó khăn, dù trong đời thường hay trên con đường hành hiệp.



Sự hiện diện của Tony Stark giống như tiên đỡ đầu cho cậu chàng Peter Parker tài năng nhưng lận đận.

Tony Stark luôn xuất hiện kịp thời và cho Peter Parker trẻ tuổi những lời khuyên hữu ích. Một cách nào đó, Stark đã thay thế vị trí bác Ben trong cuộc đời Peter Parker. Tuy nhiên, không thể phủ nhận khi họ mới gặp gỡ, Tony Stark vẫn chưa thể "vào vai" người cha chú đi trước một cách mượt mà. Đôi khi, vị tỷ phú dường như quên mất người đứng trước mặt mình là cậu choai choai khu phố Queens - non trẻ và chưa trải đời.

Stark đã phạm phải không ít sai lầm trong cách định hướng siêu anh hùng vị thành niên. Trong Captain America: Civil War (2016), Stark ném Parker vào trận chiến giữa các siêu anh hùng lão làng khi cậu nhóc chẳng có mấy kinh nghiệm chiến đấu. Tới Spider-Man: Homecoming (2017), anh trang bị cho cậu bộ giáp với chế độ hủy diệt tức thì dù Parker chưa sẵn sàng, và cũng không hề muốn lấy đi tính mạng của ai cả.

Theo thời gian, cùng với những biến cố Tony Stark đã trải qua, ta thấy anh chín chắn, trưởng thành hơn trong vai trò một người thầy, và gắn bó hơn như một người cha biểu tượng với Peter Parker.

Dấu ấn của Iron Man trong No Way Home

Sau cái chết của Tony Stark, Peter Parker đã có quãng thời gian khó khăn để tìm lại cân bằng. Tuy nhiên, hình bóng Iron Man vẫn ám ảnh tâm trí Parker trong khi kẻ thù cũ của Stark tìm đến cậu để rửa hận. Đó chính là tóm tắt ngắn gọn những gì xảy ra trong Spider-Man: Far From Home (2019).

Trong hồi ba của Spider-Man: Far From Home, Peter Parker đã sử dụng công nghệ do Tony Stark để lại cải tiến bộ giáp của mình. Ánh mắt Happy (Jon Favreau) nhìn Parker khi ấy, cũng chính là ánh mắt khán giả quan sát người anh hùng trẻ tuổi từ hàng ghế khán giả, ánh lên niềm tự hào. Cái nhìn mang thông điệp “Đây chính là người thừa kế Tony Stark, là Iron Man thế hệ tiếp theo”.

Trong hồi kết của Spider-Man: No Way Home, Spider-Man một lần nữa chứng minh mình là người người kế thừa Tony Stark - không chỉ công nghệ tối tân mà còn cả tư tưởng về người anh hùng cô độc. Còn nhớ, trong trận chiến chống quân đoàn Chitauri ở The Avengers (2012), một mình Stark đã mang tên lửa hạt nhân bay vào vũ trụ, tiêu diệt tàu mẹ của quân địch.


Iron Man đã có ảnh hưởng lớn đến những lựa chọn của Peter Parker với tư cách một siêu anh hùng.

Anh cũng là người duy nhất nhìn thấy viễn cảnh các Avengers bỏ mạng trong trận chiến chống Thanos và dành nhiều năm âm thầm chuẩn bị các biện pháp ngăn chặn tương lai ấy. Hiểu biết vượt trước thời đại từng khiến anh xa cách những người xung quanh. Không ai thực sự hiểu điều gì đang diễn ra bên trong đầu Stark, hay tầm nhìn mà vị siêu anh hùng theo đuổi.

Tới Endgame, Stark một lần nữa gánh phần hy sinh khi đeo chiếc găng tay vô cực và thực hiện cái búng tay hủy diệt Thanos. Người anh hùng không chỉ đánh đổi tính mạng, anh hy sinh cơ hội được sống tiếp bên những người mình thân yêu để đổi lại cho họ một cuộc sống bình yên.

Peter Parker muốn Spider-Man là người anh hùng thân thiện nhà bên, sống chan hòa giữa tình yêu thương của mọi người. Tuy nhiên, số phận lại bắt cậu tiếp nối con đường đơn độc của Stark. Cuối No Way Home, Parker một lần nữa tìm đến Strange (Benedict Cumberbatch), đề nghị vị phù thủy giúp mình thực hiện một phép xóa ký ức. Lần này, thứ bị xóa bỏ không phải mệnh đề “Peter Parker là Spider-Man” mà là chính sự tồn tại của cậu thiếu niên tên Parker ấy.

Bùa chú của Strange đã xóa bỏ ký ức về Peter Parker khỏi ký ức toàn vũ trụ, trong đó có cả những người mà cậu trân quý. Cậu thiếu niên tên Peter Parker không tồn tại, Spider-Man giờ đã là một siêu anh hùng vô danh. Anh ta không là ai, chẳng còn lại gì nếu rũ bỏ lớp áo giáp siêu anh hùng.

Một cách nào đó, Peter Parker đã từ bỏ chính mình, như cái cách Iron Man từng làm. Siêu anh hùng trẻ tuổi đã tiếp thu rất tốt bài học cuối cùng mà Tony Stark dạy mình. Bài học mang tên không từ nguy nan, hy sinh hạnh phúc cả nhân, thậm chí cả tính mạng vì mục tiêu tối thượng bảo vệ thế giới. Đó cũng chính là bài học kinh điển gắn liền với nhân vật Spider-Man: Sức mạnh càng lớn, trách nhiệm càng nặng nề.

Theo zing.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com