Trung Quốc gạch tên hàng loạt MC tai tiếng khỏi game show

Vương Nhất Bác và Đại Trương Vỹ đã phải rời khỏi chương trình Thiên thiên hướng thượng do chưa có chứng chỉ MC. Các nội dung của show giải trí cũng bị kiểm soát chặt hơn.


Ngày 19/10, QQ đưa tin trong tập mới nhất của show Day day up (Thiên thiên hướng thượng) không có sự xuất hiện của hai nghệ sĩ Vương Nhất Bác và Đại Trương Vỹ. Trước đó, đài truyền hình Hồ Nam đã phải hoãn phát sóng một số tập của show này với lý do chỉnh sửa nội dung để tạo ra phiên bản mới.

Hiện tại, Thiên thiên hướng thượng chỉ có MC Uông Hàm làm trụ cột. Theo QQ, người dẫn chương trình vướng lệnh hạn chế của các cơ quan quản lý nghệ thuật. Trong đó, MC đạt tiêu chuẩn phải được đào tạo bài bản và thi chứng chỉ hành nghề.

Thế khó của nhà đài và nghệ sĩ

Trước đó, chương trình Thiên thiên hướng thượng có khoảng 4-5 người dẫn chính. Mỗi người có vai trò khác biệt, người khuấy động không khí, người chuyên đặt câu hỏi làm khó khách mời. Họ tung hứng, bổ trợ cho nhau.

Vì vậy, khán giả cho rằng một mình Uông Hàm khó đảm đương hết vai trò trong show và tạo sự nhàm chán vì không có sự tương tác mạnh mẽ. Trong đó, Vương Nhất Bác thu hút một bộ phận khán giả vì anh đang là nghệ sĩ trẻ nổi tiếng bậc nhất Trung Quốc hiện tại.


Vương Nhất Bác, Cổ Lực Na Trát, Đinh Trình Hâm là những MC được đài Hồ Nam dùng như chiêu bài kéo khán giả trẻ. Ảnh: Sina, QQ.

Tuy nhiên, dàn MC của chương trình này cũng vướng nhiều bê bối, vi phạm các yêu cầu về đạo đức nghệ sĩ của Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) như Tiền Phong bị sa thải vì vướng cáo buộc hiếp dâm. MC Uông Hàm bị tố làm đại diện cho thương hiệu lừa đảo.

Bên cạnh đó, trang 163 cho biết thêm Vương Nhất Bác là MC của chương trình Thiên thiên hướng thượng trong nhiều năm, song anh không thể hiện được sự ứng biến trong cách dẫn dắt, bị chỉ trích làm MC kém duyên. Anh không có chứng chỉ MC chính thức, do đó vướng lệnh cấm của NRTA.

Theo QQ, đài truyền hình Hồ Nam đang phải duy trì show Thiên thiên hướng thượng một cách lay lắt để chờ giải pháp. Đây là một trong những show lâu đời của đài, được sản xuất từ năm 2008. Chương trình được khán giả đánh giá cao nhờ đem lại những kiến thức bổ ích.

Tuy nhiên, cũng giống Happy Camp (Khoái lạc đại bản doanh) tỷ lệ người xem show ngày càng giảm. Do đó, ê-kíp sản xuất phải cài cắm những nghệ sĩ trẻ đang được yêu thích như Vương Nhất Bác, Cổ Lực Na Trát, Justin Hoàng Minh Hạo, Đinh Trình Hâm, Tống Á Hiên vào show. Những MC tạm thời này đem lại sức trẻ và sự chú ý từ truyền thông, người hâm mộ cho chương trình. Nhưng, nhược điểm của họ là khả năng dẫn dắt kém, chưa có chứng chỉ hành nghề.

Theo China Daily, đầu tháng 9, Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) ra thông báo, yêu cầu nhà sản xuất, đài truyền hình và các nền tảng video trực tuyến, phải tuân thủ nghiêm các quy định mới về nội dung. Nhóm nghệ sĩ không có tài năng, nổi tiếng nhờ được lăng xê, hay "sao lưu lượng" sẽ bị hạn chế.

Do đó, định dạng mới của chương trình Thiên thiên hướng thượng, Happy Camp, là dựa vào nghệ sĩ thần tượng làm nhân tố thu hút khán giả phải xóa bỏ.

Vấn nạn trong các show giải trí

Theo Sina, không thể phủ nhận các show Happy Camp, Day day up có sức hút với khán giả. Nghệ sĩ cũng thường xuyên xuất hiện trên chương trình để quảng bá phim, bài hát. Việc được tham dự show Happy Camp là vinh dự với các nghệ sĩ trẻ. Dần dần, những chương trình này nảy sinh nhiều vấn nạn.

Tháng 12/2020, QQ đưa tin dàn MC trong show Happy Camp bị tố cáo nhận quà, đồ hiệu từ người hâm mộ của các nghệ sĩ tới làm khách mời trong chương trình. Để thần tượng của mình được MC chiếu cố, ví dụ tương tác nhiều hơn, được thể hiện tài năng bản thân, không bị đứng ra rìa máy quay, người hâm mộ thường tặng quà cho MC và ê-kíp thực hiện chương trình. Song, hành động này rốt cuộc đã biến tướng thành hành vi trục lợi fan.

QQ cho biết thêm, trước đó, người hâm mộ của nghệ sĩ thường mua bữa trưa để thiết đãi nhóm nhân viên. Nhưng hiện tại, các nhân viên trực tiếp thu tiền của fan, yêu cầu phải mua đồ tiếp tế từ một cửa hàng có tên Happy Fanclub. Điều đáng nói, mỗi suất trà chiều tại đây có giá đắt gấp 2-3 lần so với giá trị thực.


Dàn MC quốc dân của Happy Camp có hành vi trục lợi người hâm mộ. Ảnh: 163.

Bên cạnh đó, công chúng còn phát hiện các MC như Đỗ Hải Đào, Ngô Hân bán lại đồ lưu niệm. Chúng đều là hàng hiệu đắt giá, được fan mua tặng cho chính nghệ sĩ như Hoàng Cảnh Du, Lưu Hạo Nhiên, Chu Nhất Long... hoặc biếu cho người dẫn chương trình.

Tất cả đều được phía Happy Camp thu lại rồi thanh lý trên mạng xã hội.

Sau khi bị tố cáo, Đỗ Hải Đào đã xóa nhiều bài viết bán hàng. Mới đây, MC Thẩm Mộng Thần của đài Hồ Nam cũng nhận chỉ trích vì bán đồ đã qua sử dụng với giá đắt gấp nhiều lần giá trị thực.

Theo Sina, nhiều MC lợi dụng danh tiếng ngôi sao để bòn rút tiền từ khán giả, có hành vi trục lợi.

Bên cạnh đó, công việc MC tạm thời còn là cách để các công ty trao đổi lợi ích, lăng xê nghệ sĩ được chỉ định. Cổ Lực Na Trát sau khi rời khỏi công ty cũ, chuyển sang công ty Hòa Tụng đã trở thành MC tạm thời của show Happy Camp. Sina cho rằng việc cô nhận được vị trí dẫn chương trình là nhờ quyền lực của công ty quản lý.

Theo thống kê của Tân Hoa Xã, trước lệnh cấm, có hơn 1/3 ngôi sao thần tượng được ưu ái trong lĩnh vực truyền hình. Tuy nhiên, phần lớn họ bị đánh giá yếu kém chuyên môn.

Quyết định của NRTA với mong muốn chấn chỉnh các nội dung trên show giải trí, loại bỏ hiện tượng tiêu cực. Khi yêu cầu dành cho người dẫn chương trình ngày một khắt khe hơn, một số thần tượng như Vương Nguyên, Vương Nhất Bác đã được khuyên nên đi thi chứng chỉ.

iFeng cho rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề có thể không liên quan đến học vấn, nghệ sĩ chỉ cần chứng minh khả năng nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, chứng chỉ là một "tiêu chuẩn mới" buộc các ngôi sao trẻ phải trau dồi kỹ năng liên tục.

Theo zing.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com