Nhóm nhạc vô danh lật ngược tình thế

Gần đây, nhiều nhóm nhạc thần tượng từ công ty giải trí nhỏ trở nên nổi tiếng. Chuyên gia lý giải họ thành công nhờ sự chăm chỉ, nỗ lực.

Ngành công nghiệp Kpop gồm 4 công ty giải trí hàng đầu là SM Entertainment, JYP Entertainment, YG Entertainment và HYBE. Họ thường được gọi là "cường quốc" hoặc các "ông lớn Kpop". Các nhóm nhạc thần tượng xuất thân từ những công ty kể trên trở thành tâm điểm được chú ý ngay khi mới ra mắt và bài hát đầu tiên của họ dễ dàng trở thành hit. Ngược lại, nhóm nhạc thần tượng từ công ty giải trí vừa và nhỏ hiếm khi nhận được sự quan tâm.

Công ty nhỏ lật ngược tình thế

Theo Lee Gyu Tag, giáo sư nghiên cứu truyền thông và âm nhạc tại Đại học George Mason Hàn Quốc cho biết việc xuất hiện trên các chương trình truyền hình nổi tiếng của Hàn Quốc là cách quan trọng để thần tượng Kpop quảng bá bản thân và trở nên nổi tiếng.

Các ca sĩ, nhóm nhạc từ công ty lớn thường có nhiều cơ hội xuất hiện trên truyền hình hơn cả. Đây là vấn đề khá thiệt thòi với nghệ sĩ từ công ty nhỏ, theo Lee Gyu Tag.

"Các công ty hàng đầu có lượng người hâm mộ lớn. Vì vậy nhóm nhạc tân binh dễ dàng có được ánh hào quang từ các nhóm tiền bối của công ty đó và có thể xây dựng một fandom hùng hậu ngay cả trước khi ra mắt. Bởi thế, các thần tượng từ công ty vừa và nhỏ đang ở vị trí bất lợi", ông tiếp tục.


Nhóm nhạc E'Last ngày càng phát triển nhờ sự chăm chỉ tương tác với người hâm mộ. Ảnh: E Entertainment.

Khi album đầu tay thất bại vì thiếu cơ hội quảng bá, nhóm nhạc thần tượng từ công ty nhỏ dễ bị lãng quên. Nhóm thậm chí bị gắn biệt danh "mangdol" - một từ ghép có nghĩa là thất bại trong tiếng Hàn. Sự kỳ thị đó cản trở nỗ lực và quyết tâm của các thành viên. Chuyên gia nhận định đây là một vòng luẩn quẩn đối với các hoạt động Kpop từ công ty nhỏ.

Gặp bất lợi nhưng các nhóm nhạc thần tượng đến từ công ty giải trí vừa và nhỏ đang thể hiện ấn tượng trong năm nay, đặc biệt những tân binh ra mắt vào năm 2020.

Chỉ số chính cho thấy sự gia tăng nói trên là doanh số bán album, đặc biệt trong tuần đầu tiên vì nó phản ánh lượng người hâm mộ trung thành. Điển hình là nhóm nhạc nam E'Last, ra mắt vào tháng 6/2020 tại công ty E Entertainment.

Đĩa đơn đầu tay của nhóm Day Dream (2020) và đĩa đơn thứ hai Awake cùng phát hành năm 2020 bán được khoảng 1.700 bản trong tuần đầu tiên. Sau 10 tháng gián đoạn, nhóm phát hành đĩa đơn thứ ba Dark Dream vào tháng 9 và bán được 17.000 bản trong tuần đầu tiên, tăng gấp 10 lần so với đợt phát hành trước. Ca khúc chủ đề Day Dream cũng là video âm nhạc đầu tiên của nhóm thu được hơn 10 triệu lượt xem.

Bí quyết làm nên thành công

Theo chuyên gia, 17.000 có thể vẫn là con số tương đối khiêm tốn trong ngành công nghiệp Kpop rộng lớn, nhưng sự gia tăng theo cấp số nhân mà không dựa vào chiến thuật phát hành nhiều phiên bản cho một album là điều đáng chú ý. Vậy điều gì đã xảy ra trong 10 tháng để giúp E'Last cũng như những thần tượng vô danh lật ngược tình tế.

"Ngay cả trong thời gian gián đoạn, các thành viên vẫn hoạt động riêng lẻ, đóng vai chính trong một chương trình truyền hình dành cho trẻ em hoặc hát nhạc phim cho bộ phim dài tập", một nhân viên của E'Last nói với Korea JoongAng Daily.

"Các thành viên cũng tải lên video dance cover ca khúc của nhóm nhạc thần tượng khác và chúng tôi nghĩ sự nhất quán trong các hoạt động đã thu hút nhiều người hâm mộ trong thời gian gián đoạn", người này tiếp tục.

Lịch trình của nhóm có thể không phải những lần xuất hiện trên truyền hình hào nhoáng và buổi biểu diễn lớn mà mọi người thường hình dung khi nghĩ về các siêu sao Kpop, nhưng sự kiên định và chăm chỉ của nhóm nhạc nam đã để lại ấn tượng cho người xem.

"Các thành viên E'Last truy cập trang web chính thức của người hâm mộ mỗi ngày và viết rất nhiều bài đăng để tương tác với fan. Điều này tạo nên một mối liên kết bền chặt. Nỗ lực của họ là điều thu hút tôi", một fan nữ của E'Last ở độ tuổi 20 cho biết.

E'Last cũng xuất hiện trong chương trình thực tế E'Last Superhero trên kênh YouTube của đài truyền hình cáp Mnet vào tháng trước. Là tân binh từ công ty nhỏ, E'Last không có lượng người hâm mộ đủ lớn để có một chương trình độc lập trên truyền hình, nhưng YouTube chính là cơ hội để họ phá vỡ các rào cản.

"Đại dịch Covid-19 tạm dừng tất cả buổi hòa nhạc Kpop và sự kiện trực tiếp, vì vậy tất cả thần tượng phải sử dụng hoạt động trực tuyến. Theo một cách nào đó, điều này đã san bằng sân chơi cho các công ty nhỏ hơn. Họ ít bị thiệt thòi hơn về các hoạt động trực tuyến vì nó mở cho mọi người truy cập", giáo sư Lee Gyu Tag nói.


Album mới của STAYC đạt doanh thu lớn. Ảnh: Highup Entertainment.

Nhóm nhạc nữ STAYC cũng có sự phát triển đáng kể dù xuất thân từ công ty ít danh tiếng. STAYC ra mắt vào tháng 11/2020 tại công ty Highup Entertainment. Đĩa đơn đầu tay Star to a Young Culture bán được hơn 10.000 bản trong tuần đầu tiên. Đĩa đơn thứ hai Staydom đạt doanh số tuần đầu tiên khoảng 35.500 bản vào tháng 4.

Ca khúc chủ đề ASAP đã leo lên bảng xếp hạng sau khi động tác vũ đạo trong bài hát lan truyền và tạo ra làn sóng video cover trên mạng xã hội. Sự nổi tiếng gia tăng giúp STAY vươn lên tầm cao mới trong lĩnh vực bán album. Đĩa đơn thứ ba Stereotype phát hành vào tháng 9 bán được hơn 114.000 bản trong tuần đầu tiên,

STAYC thậm chí có biệt danh "phép màu của một công ty nhỏ" và họ nhanh chóng vươn lên hàng ngũ các nhóm nhạc nữ đang nổi tiếng nhất dù chỉ là tân binh. Trước thành công của Stereotype, STAYC cũng ít xuất hiện trên truyền hình. Thay vào đó, họ thường xuyên giao tiếp với người hâm mộ trên mạng xã hội.

"STAYC tải lên nội dung mới mẻ về các chủ đề khác nhau. Chúng tôi cố gắng cung cấp nội dung giải trí mà người hâm mộ có thể thưởng thức hàng tuần", một nhân viên từ công ty quản lý của nhóm nhạc nữ cho biết.

Bí quyết để các thần tượng thành công ở hiện tại là họ xây dựng hình ảnh dễ mến với công chúng thông qua sự chăm chỉ tương tác với người hâm mộ.

"Các công ty nhỏ không thể phát triển theo quy mô của SM hoặc JYP trong một sớm một chiều. Vì vậy, các nhóm nhạc thần tượng từ công ty ít danh tiếng thường cố gắng thu hút bằng âm nhạc và màn trình diễn chất lượng cao, cũng như tương tác thường xuyên với người hâm mộ thông qua mạng xã hội. Ngay cả công ty chủ quản của BTS cũng từng là một công ty nhỏ", giáo sư cho biết.

"Hiện nay khi thị trường Kpop tiềm năng hơn nước ngoài, công ty nhỏ có nhiều cơ hội đột phá hơn bao giờ hết. Đặc biệt, khi Covid-19 được kiểm soát trong tương lai gần và các hoạt động trực tiếp ở nước ngoài có thể hoạt động trở lại”, ông nói.

Theo zing.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com