Nhạc thô tục tràn lan mạng xã hội

Thời gian qua, hàng loạt ca khúc có ca từ, nội dung nhạy cảm như "Censored", "Thích ca mâu Chí" được đăng tràn lan trên mạng xã hội.

10 tháng đầu của năm 2021 đã trôi qua và đây có lẽ là một trong những năm thị trường âm nhạc ảm đạm nhất. Bởi diễn biến phức tạp của dịch bệnh, sự kiện bị hủy bỏ, không thể đi diễn, hầu hết nghệ sĩ tạm gác lại các dự án âm nhạc. Trong bối cảnh đó, sự nổi lên của những bản nhạc có nội dung dung tục, phản cảm càng đáng lo ngại.

Liên tục có những ca khúc bị chỉ trích vì ca từ được cho là không phù hợp với thuần phong mỹ tục ra mắt và theo nhận định của giới chuyên môn, bài hát như vậy không chỉ làm xấu thị trường âm nhạc mà còn ảnh hưởng tiêu cực tới khán giả, đặc biệt trẻ nhỏ.

Việc không kiểm duyệt nội dung kỹ càng của các nền tảng mạng xã hội càng khiến những ca khúc có ca từ dung tục được phổ biến, lan truyền diện rộng.

"Người làm văn hóa cần có phông văn hóa"

Cách đây ít ngày, tờ The Hill đưa tin một thị trấn biển ở Nam Carolina (một bang thuộc phía đông nam của Mỹ) đang hạn chế âm nhạc thô tục sau khi cư dân địa phương phàn nàn về việc nghe thấy những bài hát có ca từ tục tĩu phát ra từ một cơ sở kinh doanh.

Người dân không hài lòng khi con cháu của họ có thể nghe những ca khúc như thế. Chính quyền sau đó nhất trí hạn chế thời gian và địa điểm phát những ca khúc có phần lời không phù hợp khán giả đại chúng.

Có thể thấy ngay cả ở Mỹ - nơi được cho là có nền văn hóa và âm nhạc khác Việt Nam - những ca khúc có lời lẽ phản cảm cũng bị phản ứng dữ dội.

Ở Việt Nam những ngày qua, hàng loạt cuộc tranh cãi nổ ra xoay quanh bài hát, từ Mẩy thật mẩy của BigDaddy, Lái máy bay của Bình Gold đến Censored của Chị Cả hay Thích ca mâu Chí, Cypher nhà làm của nhóm Rap Nhà Làm.

Một đoạn lời trong Censored của Chị Cả đề cập đến vấn đề nhạy cảm mà theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung nhận định là loạn luân, không được xã hội chấp nhận. Rapper cũng dùng nhiều ngôn từ dung tục trong bài. Trong khi đó, Cypher nhà làm đề cập đến mối quan hệ trai gái với những lời lẽ nhạy cảm.

Gây tranh cãi dữ dội hơn cả là bài Thích ca mâu Chí đăng trên kênh của nhóm Rap Nhà Làm. Bản rap sử dụng một sự tích và chế lại theo nghĩa phản cảm. Cũng vì ca khúc, ngày 6/10, tác giả Chí cùng các thành viên trong nhóm Rap Nhà Làm tới trụ sở Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam để sám hối và xin tha thứ.

Nhắc đến Bình Gold, khán giả lập tức nghĩ tới rapper chuyên có những ca khúc về chủ đề ăn chơi, câu từ táo bạo như Bốc bát họ, Ông bà già tao lo hết, Trơn, Quan hệ rộng, Lái máy bay.

Các ca khúc của Bình Gold vừa qua xuất hiện trong chương trình Đối Diện: Dọn rác trên không gian mạng và bị phê phán là một trong những sản phẩm "rác" đang được lan truyền mạnh mẽ ở mạng xã hội.

Trao đổi với Zing về việc âm nhạc đang tràn lan những ca khúc nhảm, đặc biệt trong giới rap, rapper MC Ill đưa quan điểm: “Kênh YouTube của một cá nhân nếu không làm gì phạm pháp, không thể cấm họ đăng nội dung. Tuy nhiên, trẻ nhỏ hiện giờ dễ tiếp cận các nền tảng mạng xã hội nên sự ảnh hưởng là khó tránh khỏi. Tôi nghĩ trách nhiệm thuộc về cả hai phía, tôi hy vọng sự tiết chế từ nghệ sĩ và sự quản lý của gia đình".

Theo huấn luyện viên Giọng hát Việt nhí, những sản phẩm dù xuất phát với mục đích nào thì khi đăng lên mạng xã hội cũng ảnh hưởng ít nhiều tới người xem. Do đó, nội dung nên phù hợp với văn hóa của khu vực và luật pháp.

"Nhập gia tùy tục. Những bài hát nêu trên có thể hợp với văn hóa nước ngoài nhưng về Việt Nam nên có sự tiết chế nhất định. Bản thân tôi từng sốc văn hóa khi lần đầu tiếp xúc với hip hop. Do đó, tôi hiểu phản ứng của đại chúng hiện nay. Tôi nghĩ câu chuyện này cần nỗ lực từ hai phía, nghệ sĩ nên có sự kiềm chế, còn người nghe có thể bao dung, nhìn vào khía cạnh tích cực hơn", rapper nói.


Rapper Bình Gold có nhiều ca khúc bị chỉ trích.

Theo quan điểm làm nghề của nhạc sĩ Tú Dưa, bài hát nên mang ca từ đẹp. Anh nhận định: “Các bạn trẻ hiện giờ sáng tạo, làm những điều mới mẻ, trẻ trung. Họ cũng sáng tác kiểu trực diện hơn. Tôi rất thích nghe âm nhạc của các bạn. Tuy nhiên về phần lời ca, cá nhân tôi nghĩ cần trau chuốt. Thời nào cũng vậy, bài hát là món ăn tinh thần và thường thể hiện cái đẹp nhiều hơn”.

“Vốn từ ngữ của tiếng Việt phong phú, do đó không nhất thiết phải dùng những từ ngữ dung tục để nói về một vấn đề nào đó. Ai cũng muốn thể hiện cái tôi và tôi không khắt khe với việc đó. Nhưng tôi nghĩ cần có ý thức vì người làm văn hóa không thể thiếu phông văn hóa được”, nhạc sĩ nhấn mạnh.

“Các nền tảng mạng xã hội cần kiểm duyệt kỹ càng hơn”

Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung hay Tú Dưa, một trong những lý do khiến các ca khúc phản cảm hiện giờ dễ lan truyền và phổ biến hơn xưa đó là chúng được đăng tải một cách nhanh chóng, dễ dàng trên các nền tảng mạng xã hội không có chế độ kiểm duyệt gắt gao về nội dung, ca từ hay giới hạn độ tuổi.

Trước khi bị chỉ trích dữ dội và gỡ bỏ, hashtag #muachoconchieccongtay (PV: Mua cho con chiếc còng tay) - một đoạn lời trong bài Censored - là gợi ý xu hướng nội dung nổi bật trên Tik Tok. Những video liên quan đến hashtag này đạt hơn 700.000 lượt xem.

Vì là xu hướng nổi bật suốt nhiều ngày nên hashtag #muachoconchieccongtay được đặt ở vị trí dễ nhìn thấy nhất khi khán giả truy cập vào nền tảng. Do vậy, hashtag tuy nhạy cảm nhưng càng thu hút nhiều lượt xem.

Trên YouTube, "mua cho con chiếc còng tay" cũng được đặt làm tiêu đề cho hàng loạt video. Ngay cả khi rapper Chị Cả đã lên tiếng xin lỗi và gỡ video gốc thì những video chế lại từ đoạn lời của Censored với tiêu đề Mua cho con chiếc còng tay vẫn tồn tại trên YouTube. Có video thậm chí đạt hơn 400.000 lượt xem, trong khi số khác cũng hàng chục hoặc hàng trăm nghìn.


Rapper Chí là tác giả ca khúc Thích ca mâu Chí.

Trao đổi với Zing, nhạc sĩ Tú Dưa cho biết nếu được qua kiểm duyệt, những bài hát như thế sẽ không tồn tại. Thay vào đó, các bài chỉ trôi nổi trên những nền tảng không có sự kiểm duyệt.

Anh nói: “Các nền tảng cần có sự kiểm duyệt gắt gao hơn bởi điều đó rất quan trọng. Con tôi cũng đang ở độ tuổi tiểu học, hay mò vào YouTube, TikTok và nghe trộm những lúc tôi không để ý. Trẻ con chưa đầy đủ nhận thức nên dễ học theo những ca từ không hay. Đôi khi con học theo và nói những điều chưa được phép nói ở độ tuổi đó. Đây là một bất cập, do đó tôi nghĩ rất cần sự kiểm duyệt".

Theo nhạc sĩ, chính nhờ sự phổ biến, trôi nổi trên các nền tảng nên những sản phẩm có lời lẽ dung tục được nghe nhiều hơn cả ca khúc sáng tác truyền cảm hứng tích cực. Với anh, đây là sự thiệt thòi với những người làm nghề chân chính.

“Nhiều bạn khi nhận được lượt xem lớn và tiền từ YouTube, Tik Tok, họ đã nghĩ mình giỏi. Nhưng tôi nghĩ khán giả hiện giờ có sự đào thải. Chỉ một thời gian trào lưu sẽ bị đào thải và thay thế bằng những hiện tượng khác”, anh nói.

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung quan điểm rằng sự tồn tại của nhạc rác ngoài trách nhiệm kiểm duyệt của nền tảng mạng xã hội, các bậc phụ huynh cũng cần quản lý con cháu.

“Đây là trách nhiệm của cả xã hội. Cục Nghệ thuật Biểu diễn cần có biện pháp cứng rắn hơn với người dùng, đặc biệt những người đang mang danh nghệ sĩ nhưng làm sản phẩm âm nhạc phản cảm”, nhạc sĩ nhận định.

Theo zing.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com