'Đã đến lúc Hollywood phơi bày mặt tối của xã hội Mỹ'

Hollywood tạo tiếng vang toàn cầu vì luôn phơi bày bất ổn của xã hội. Giờ đây, kinh đô điện ảnh cần phản ánh vấn đề kỳ thị người gốc Á diễn ra gay gắt trên đất Mỹ.

Theo bài viết do SCMP đăng ngày 28/4, 8 bộ phim được đề cử giải Oscar hạng mục Phim truyện điện ảnh xuất sắc (bao gồm chiến thắng Nomadland) đều tái hiện hình ảnh nước Mỹ bất ổn, nhiều vấn đề. Từ ngôi nhà trong Sound of Metal đến không gian hạn hẹp trong Promising Young Woman, tất cả đều mang đến cảm giác bất an.

Sự sợ hãi của bố già mất trí trong The Father hay sự bất cần của Fern trong Nomadland cũng nói lên những vấn đề còn tồn đọng trong xã hội Mỹ: Cha mẹ già đi phải đối mặt với sự thờ ơ của con cái, khủng hoảng kinh tế chỉ làm trầm trọng thêm làn sóng di cư, đưa con người lang thang khắp miền du mục.

Năm nay, Oscar cũng dần trao quyền cho người gốc Á. Song, điều đó chưa đủ để thay đổi một xã hội đầy bất an. Những câu chuyện về nạn kỳ thị, bắt nạt người châu Á vẫn còn thiếu vắng. Điều Hollywood cần làm là kể lại toàn bộ câu chuyện về một cộng đồng đa dạng nhưng phức tạp.

Bất ổn trong xã hội Mỹ nhìn từ Oscar

Trong thời điểm cuộc sống người dân Mỹ bị đảo lộn bởi dịch Covid-19, 8 bộ phim được đề cử giải Oscar năm nay đều mang đến cảm giác bất an, từ cách kể chuyện đến bối cảnh của phim.

Minari là bộ phim về những người nhập cư Hàn Quốc đang cố gắng tạo ra cuộc sống mới ở vùng nông thôn Arkansas. Họ sinh sống trong ngôi nhà di động từ những năm 1980.

Mở đầu phim, khán giả chứng kiến cảnh Jacob (Steven Yeun đóng) đột ngột dẫn gia đình chuyển từ California đến Arkansas với ước mơ đổi đời. Từ hình ảnh chim bìm bịp đến cánh đồng bát ngát, điều đó như thể hiện tương lai mờ mịt của gia đình nhập cư người Hàn.



Cuộc sống trên xe được tái hiện trong nhiều tác phẩm tranh giải Oscar.

Đạo diễn khắc họa hình ảnh các nhân vật bằng những thứ gần gũi như xe tải, phòng khách và những thứ xiêu vẹo, không chắc chắn. Điều đó truyền tải thông điệp rằng khát vọng đổi đời của gia đình nhập cư trên đất Mỹ chỉ là giấc mơ viển vông.

Đến Nomadland - bộ phim thắng giải Phim truyện điện ảnh xuất sắc - hình ảnh nước Mỹ bất ổn càng thể hiện rõ.

Nomadland được chỉ đạo bởi Chloé Zhao. Vai diễn góa phụ Fern cứng đầu, người đang thất nghiệp, sống lang thang làm nhiều việc nhỏ lẻ để kiếm sống, được thể hiện qua diễn xuất ấn tượng của Frances McDormand.

Để kiếm sống, Fern sống cảnh rày đây mai đó, làm việc tại một nhà kho ở Amazon, thu hoạch củ cải đường và dọn dẹp phòng tắm của khu cắm trại… Trên đường đi, chiếc xe tải cũng là nhà của Fern. Cô tận dụng mọi thứ còn sót lại ở nhà, từ chiếc hộp cũ của chồng để đựng bát đĩa, chiếc đèn cha cô từng tặng dùng để chiếu sáng…

Lối sống của nhân vật Fern điển hình cho cộng đồng “vandwelling” - những người sinh sống toàn thời gian trên những chiếc xe chật hẹp, cũ kỹ ở Mỹ.

Bộ phim Sound of Metal cũng tái hiện phong cách sống của những nhân vật có cuộc sống lưu động trên xe RV. Ruben và Lou - do Riz Ahmed và Olivia Cooke thủ vai - là những ngôi sao nhạc rock lang bạt khắp nước Mỹ. Hình ảnh của nghệ sĩ sống lang bạt tương tự với người phụ nữ thất nghiệp trong Nomadland.



The Father tái hiện nỗi sợ chết, cô đơn và bị con cái bỏ rơi của nhiều người già trên đất Mỹ.

The Trial of the Chicago 7 của Aaron Sorkin, Judas and the Black Messiah của Shaka King diễn ra chủ yếu trong các lĩnh vực công cộng và dân sự, những câu chuyện xoay quanh đường phố, công viên, phòng họp và tòa án. SCMP cho rằng kiến trúc, cách sắp xếp bố cục, nội thất trong phim nói đến sự lộn xộn của xã hội Mỹ.

Kiến trúc là yếu tố khá quan trọng quyết định mạch phim. Trong The Father, đạo diễn Florian Zeller dùng kiến trúc, bối cảnh phim để bổ sung cho sự lộn xộn trong tâm trí người cha già mất trí nhớ (Anthony Hopkins đóng).

Có phải căn hộ giàu có ở London mà ông đang sống không? Hay nó thuộc về con gái ông và người bạn đời khó chịu? Hay đó là cơ sở dành cho người già?... là những câu hỏi xoay quanh nhân vật và cảm xúc khán giả.

Xét về nội dung phim, The Father thể hiện nỗi lo sợ già, sợ chết, sợ xa con cái của những người già trên đất Mỹ. Cơ cấu dân số già, sự tự lập từ sớm của con cái vô hình trung khiến quan hệ giữa cha mẹ và các con càng xa cách. Việc con cái ra riêng, cha mẹ sống trong cô đơn là vấn đề xảy ra khá thường xuyên của dân Mỹ.

Hollywood có bỏ quên người Mỹ gốc Á?

Theo chuyên gia Curtis Chin, cựu đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Phát triển châu Á, ngay cả khi Viện Hàn lâm thừa nhận công sức của người châu Á, định kiến virus corona, sự thù hận của người da trắng với người da vàng vẫn còn nặng nề. Hollywood cần làm nhiều hơn nữa để thay đổi một xã hội đầy bất ổn.

“Lễ Oscar năm nay tôi không chỉ xem ai thắng hay thua. Tôi chú ý nhiều hơn đến những đề cử, giải thưởng trao cho người châu Á, sau một năm chứng kiến nạn bạo lực của dân Mỹ đối với những người da vàng như tôi trong đại dịch”, Curtis Chin viết trong bài luận.

Năm 2016, MC da màu Chris Rock từng gây tranh cãi khi mang ba đứa trẻ người châu Á ra làm trò đùa ngay trên sân khấu Oscar. Hành động của nghệ sĩ hài độc thoại bị chỉ trích nặng nề vì mang tính phân biệt chủng tộc, xem thường người châu Á.

Làn sóng tẩy chay mạnh mẽ đến mức Viện Hàn lâm phải lên tiếng xin lỗi vì trò đùa. Thời điểm ấy, trò đùa gây phản cảm vì Oscar mang tiếng phân biệt chủng tộc nặng nề. Hashtag #OscarSoWhite (tạm dịch Sao Oscar trắng thế) như lời châm biếm, vì cả 20 hạng mục đề cử diễn xuất đều dành cho người da trắng.

Trong năm nay, người châu Á không còn là trò đùa. Họ cũng dần được công nhận. Oscar bắt đầu xem trọng sự đa dạng chủng tộc nhiều hơn. Có đến 9 trong số 20 đề cử diễn xuất không phải người da trắng. Phụ nữ cũng dần được trao quyền khi có tổng cộng đến 70 phụ nữ nhận 76 đề cử. Nói đúng hơn, đây là mùa giải Oscar đầy tính đa dạng.



Những tác phẩm nói về người gốc Á như Minari cần được nhân rộng.

Trong số đó, lần đầu tiên hai người phụ nữ làm nên lịch sử. Với Nomadland, Chloé Zhao là phụ nữ châu Á đầu tiên giành giải Đạo diễn xuất sắc. Với giải thưởng Nữ diễn viên phụ xuất sắc, Youn Yuh Jung trở thành diễn viên Hàn Quốc đầu tiên thắng giải Oscar nhờ vai diễn bà ngoại trong Minari.

Oscar trao quyền cho phụ nữ, người châu Á nhưng thực chất có làm thay đổi xã hội, giảm bớt những kỳ thị về người gốc Á? Theo chuyên gia, còn rất lâu mới xóa được những định kiến phụ nữ nguy hiểm, đàn ông ẻo lả - những gì người gốc Á phải chịu đựng trên đất Mỹ.

Theo SCMP, dù Viện Hàn lâm dần để ý đến người châu Á, nhưng để họ thực sự có tiếng nói vẫn còn xa vời. Trong báo cáo Đa dạng Hollywood năm 2020 của UCLA cho thấy có đến 91% giám đốc điều hành của các hãng phim vừa và lớn đều là người da trắng. Nghiên cứu của USC Annenberg chỉ ra rằng đạo diễn người châu Á chỉ chiếm 3,3% trong số 1.300 bộ phim nổi tiếng được chọn lọc từ năm 2007-2019.

Theo chuyên gia, việc Hollywood trao quyền cho người châu Á dần mất đi ý nghĩa khi những vụ tấn công vào người châu Á cứ diễn ra, đỉnh điểm là vụ nổ súng ở Atlanta làm 6 phụ nữ gốc Á thiệt mạng ngày 18/3.

“Từ vận động, xây dựng đến cổ vũ xóa nhòa thù hận, Hollywood có thể làm được nhiều điều. Đã đến lúc kinh đô điện ảnh nên phơi bày mặt tối của xã hội Mỹ và kể những câu chuyện về nước Mỹ phức tạp, nhiều biến động. Bởi, đó không phải là trò đùa”, Curtis S. Chin, cựu đại sứ Mỹ tại Ngân hàng Phát triển Châu Á, nhấn mạnh.

Theo zing.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com