Kpop đứng trước nguy cơ bão hòa

Giới chuyên gia nhận định Kpop đang có tiềm năng lớn trên thị trường quốc tế. Thậm chí, sắp tới các nhà sản xuất Hàn Quốc có thể bán công thức đào tạo nhóm nhạc.

The Korea Times viết Taekwondo có nguồn gốc từ Hàn Quốc, nhưng nó không còn là môn thể thao chỉ dành cho người Hàn. Ngày nay, Taekwondo được thực hành bởi hàng chục triệu vận động viên trên toàn cầu. Nhiều vận động viên Taekwondo không phải người Hàn Quốc đã ghi tên mình vào lịch sử bằng cách giành chiến thắng tại các sự kiện thể thao lớn.

Giới chuyên gia đang kỳ vọng Kpop có được tương lai như Taekwondo. Họ mong muốn xuất khẩu kiến ​​thức, kỹ thuật và hệ thống hiệu quả của âm nhạc Hàn Quốc ra nước ngoài.

Bán công thức thành lập nhóm nhạc

Kim Jin Woo, giáo sư kiêm trưởng nhóm nghiên cứu tại Viện Nghệ thuật Seoul nhận định trong tương lai gần, các nhà sản xuất Hàn Quốc chỉ cần bán “công thức” tạo ra một nhóm nhạc cho nước ngoài và kiếm tiền từ bản quyền.

Ông nói với: “Chúng ta rất có thể chứng kiến ​​sự xuất hiện như nấm của các nhóm nhạc được thành lập ở những quốc gia khác nhau. Những nhóm đó mang màu sắc của Kpop”. Theo ông, hiện tượng này có thể được coi là giai đoạn thứ tư của quá trình toàn cầu hóa Kpop.

Kim Jin Woo giải thích ở giai đoạn đầu của Kpop, các nhóm nhạc chỉ thuần người Hàn. Sang giai đoạn thứ hai, nhóm nhạc Kpop bắt đầu xuất hiện những thành viên ngoại quốc. Ở giai đoạn tiếp theo, Kpop tấn công sang thị trường quốc tế. Và ở giai đoạn thứ 4 sắp diễn ra, hàng loạt nhóm nhạc theo công thức của Kpop được thành lập ở nước ngoài.



NiziU được đào tạo theo mô hình nhóm nhạc Hàn Quốc. Ảnh: JYP Entertainment.

Ông nói: "Ngay bây giờ, chúng ta ở giai đoạn thứ ba, khi nhà sản xuất Hàn Quốc đi đến các quốc gia khác nhau để ra mắt nhóm nhạc được đào tạo theo mô hình Kpop. Bằng chứng là NiziU - một nhóm nhạc Nhật Bản được thành lập bởi Park Jin Young, ông chủ của JYP Entertainment. Nhưng trong giai đoạn tiếp theo, các nhà sản xuất như Park Jin Young không cần đích thân đào tạo mà chỉ cần xuất khẩu kiến thức cho đồng nghiệp nước ngoài để họ tự áp dụng và tạo nên những nhóm nhạc theo chuẩn mô hình Kpop”.

Lee Gyu Tag, giáo sư tại Đại học George Mason Hàn Quốc cho biết việc liệu NiziU có phải một nhóm nhạc Kpop hay không là vấn đề được tranh luận sôi nổi. NiziU gồm tất cả thành viên người Nhật Bản và hoạt động chính tại đất nước này. Tuy nhiên, các thành viên trong nhóm được đào tạo theo công thức Kpop của JYP Entertainment và có phong cách âm nhạc giống Hàn Quốc.

Do đó, nhiều khán giả cho rằng NiziU chính là nhóm nhạc Kpop dù tất cả thành viên đến từ Nhật Bản. NiziU hiện rất nổi tiếng tại Nhật Bản. Nhóm lập nhiều kỷ lục trên các bảng xếp hạng âm nhạc và ký kết vô số hợp đồng quảng cáo ngay khi ra mắt.

"Sự xuất hiện của nhiều nhóm nhạc địa phương lấy cảm hứng từ Kpop có thể sẽ thách thức những quan niệm hiện có về Kpop. Điều đó khiến mọi người phải xác định lại thể loại này. Tuy nhiên, ở Hàn Quốc, sự chênh lệch về nhân khẩu học sẽ khiến các công ty giải trí không thể tránh khỏi việc bổ sung nhiều nhóm nhạc nước ngoài hơn", Lee Gyu Tag nhận định.

Bão hòa

Âm nhạc Hàn Quốc không ngừng phát triển nhưng Edward Leary, biên tập viên tại hãng truyền thông KpopStarz của Mỹ và Jeff Benjamin, người phụ trách chuyên mục Kpop tại tạp chí Billboard nhận định Kpop đang đứng trước nguy cơ bão hòa.

Jeff Benjamin chỉ ra sự bão hòa một phần bắt nguồn từ việc thiếu các chiến lược độc đáo và chiến thuật du kích. Đặc biệt, mỗi năm, có khoảng 50 đến 100 nhóm nhạc ra mắt.

“Ở Kpop, những chiến lược giống nhau đang được sử dụng lặp đi lặp lại. Nó khiến khán giả quá mệt mỏi và cuối cùng không giúp ích được gì cho bất kỳ nghệ sĩ nào trong bức tranh lớn hơn. Các ca sĩ Kpop có thể học tập nghệ sĩ Latin và hip hop. Họ sử dụng các chiến lược độc đáo để giúp âm nhạc đột phá", Jeff Benjamin nhận định.

Trong bối cảnh đó, nhiều nhà sản xuất Hàn Quốc vẫn kỳ vọng tạo ra nhóm nhạc toàn cầu. Theo The Korea Times, đây không phải hy vọng viển vông.

Theo Gaon Chart, doanh số album ở Kpop năm 2021 đã ghi nhận bước nhảy vọt so với năm 2015. Năm 2015, 8,4 triệu album được bán ra và số lượng tăng gấp 3 lần lên 24,6 triệu bản vào năm 2019. Năm nay, hơn 54,6 triệu bản đã được bán từ tháng 1 đến tháng 11 - tăng gần hai lần so với năm 2019 - và 60% doanh số bán hàng đến từ nước ngoài.

Nhà nghiên cứu Kim Jin Woo giải thích: "Đây là minh chứng cho việc mở rộng lượng người hâm mộ toàn cầu của Kpop. Những người yêu thích Kpop không chỉ mua album mới nhất của thần tượng mà cả album cũ để làm kỷ niệm. Đây là cái mà chúng tôi gọi là sự lan tỏa ngược. Nhiều người cho rằng thị trường âm nhạc Hàn Quốc đang quá bão hòa. Nhưng có vẻ vẫn có một thị trường ngách trên thị trường quốc tế".

Kim Jin Woo nhận định tân binh Kpop nên nhắm mục tiêu vào bảng xếp hạng Billboard.

Ông nói: "Quy mô thị trường album vật lý ở Mỹ đã bị thu hẹp trong những năm qua. Mọi người đều đổ xô vào các nền tảng phát trực tuyến. Do đó, việc các nghệ sĩ Kpop lọt vào bảng xếp hạng Billboard dễ dàng hơn. Trên thực tế, năm ngoái, tổng số album vật lý tiêu thụ ở Hàn Quốc là 42 triệu, nhưng ở Mỹ, con số này khoảng 31 triệu. Có nghĩa việc đứng đầu bảng xếp hạng album Billboard 200 không khó khăn như trước đây. Một khi các ngôi sao Kpop lập một số thành tích ở Mỹ, họ cũng có thể đạt được hiệu ứng ở Hàn Quốc".



ATEEZ bán được lượng album lớn nhờ sự nổi tiếng tại nước ngoài. Ảnh: KQ Entertainment.

Kim Jin Woo chỉ ra ATEEZ là ví dụ điển hình. "Tám thành viên thu hút người hâm mộ quốc tế, sau đó mới cải thiện vị trí ở Hàn Quốc bằng cách hợp tác với ca sĩ nổi tiếng Kim Jong Kook. Đây là một cách tiếp thị thông minh để nhắm tới hai mục tiêu. Trong tương lai, tôi nghĩ nhiều nhóm nhạc nữ cũng nỗ lực vươn ra toàn cầu trước rồi mới quay lại thị trường Hàn Quốc", ông đánh giá.

Giáo sư Lee Gyu Tag nói thêm sự phát triển toàn cầu của Kpop đã san bằng sân chơi cho các ca sĩ thuộc công ty quản lý nhỏ. "Trước đây, khi tất cả ca sĩ đều cạnh tranh ở thị trường trong nước, những ca sĩ đến từ công ty nhỏ không thể có chỗ đứng, vì hầu hết nền tảng đều bị chi phối bởi các hãng lớn. Nhưng ngày nay, nhờ sự nổi lên của các nền tảng toàn cầu, họ nên có cách tiếp cận thận trọng hơn khi nhắm tới mục tiêu thị trường quốc tế”, Lee Gyu Tag nói.

Giáo sư tự tin vào tương lai của Kpop: "Ngày nay, rất nhiều ngôi sao đang nâng cao tiếng nói thông qua âm nhạc của họ. Vì vậy, tôi nghĩ nhiều ca sĩ kiêm nhạc sĩ có thể đạt được sức hút toàn cầu trong những ngày tới".

Kpop mở rộng thế giới ảo

Vai trò của các công nghệ tiên tiến, chẳng hạn thực tế ảo (VR) và trí tuệ nhân tạo (AI) cũng có khả năng mở rộng ở Kpop. Trên thực tế, đại dịch Covid-19 kéo dài đã thúc đẩy ngành công nghiệp Kpop lao vào lĩnh vực VR, nơi các ca sĩ có thể tương tác với người hâm mộ của họ mà không cần gặp mặt trực tiếp. Các sự kiện âm nhạc trực tuyến được trang bị công nghệ tiên tiến là một ví dụ.



aespa có 4 thành viên ảo. Ảnh: SM Entertainment.

"Nhóm nhạc nữ aespa - bao gồm 4 thành viên là người thật và 4 thành viên ảo - cho chúng tôi cái nhìn thú vị về cách Kpop trở nên đa chiều hơn. Nhiều nghệ sĩ Kpop đang sử dụng một số loại nhân vật hoạt hình, chẳng hạn BT21 của BTS, Lovelys của TWICE và TRUZ của TREASURE. Chúng ta có thể sẽ thấy những nghệ sĩ sử dụng kỹ thuật số hoàn toàn để làm những việc mà trước đây họ chỉ làm được bằng cách gặp trực tiếp", Benjamin nói với The Korea Times.

Edward Leary giải thích thêm: "Với sự dẫn dắt của các sự kiện âm nhạc ảo, Kpop mở ra hình thức mới về cách chúng ta tiêu thụ giải trí. Đó là sự xuất hiện của các nhóm ảo".

Theo zing.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com