Tranh luận diễn viên có cần bằng đại học không

Dương Siêu Việt, Vương Nhất Bác, Triệu Lệ Dĩnh là những nghệ sĩ thường xuyên bị trào phúng vì học vấn thấp.


Ngày 4/10, QQ đưa tin nữ ca sĩ, diễn viên Dương Siêu Việt trở thành đối tượng công kích trên mạng xã hội vì trình độ học vấn thấp. Khán giả cho rằng cô không xứng đáng với vị trí thần tượng vì chưa học hết cấp 2.

Học vấn thấp cũng là điểm yếu của Vương Nhất Bác, Thái Từ Khôn hay Triệu Lệ Dĩnh, những người chưa tốt nghiệp cấp 3 hoặc không được đào tạo bài bản về diễn xuất.

Để nâng cao chất lượng của diễn viên, ông Trương, giám đốc Hiệp hội Biểu diễn Thương mại Bắc Kinh cho rằng nên áp dụng việc phải có thẻ chứng nhận chuyên môn với diễn viên. Bên cạnh đó, cũng có ý kiến đề xuất việc nghệ sĩ phải có học vấn bậc đại học, được đào tạo về diễn xuất.

Thậm chí, tiêu chí học vấn cũng sẽ được xét trong quá trình trao giải thưởng nghệ thuật. Tuy nhiên, ý kiến này vấp phải sự phản đối của chính những người làm nghề.

Thần tượng gặp khó khăn vì học vấn thấp

Theo Sina, trường hợp các thần tượng bị công kích vì học vấn thấp như Dương Siêu Việt không phải hiếm. Dương Siêu Việt nghỉ học do nhà nghèo. Trong khi đó, các thần tượng trẻ như Vương Nhất Bác, Thái Từ Khôn, Mạnh Mỹ Kỳ vì theo đuổi đam mê đã ra nước ngoài làm thực tập sinh từ khi học cấp 2. Do đó, khó có thể xác định họ đã học hết cấp 3 hay chưa.

Tuy nhiên, đối với những khán giả có yêu cầu cao, họ cho rằng thần tượng để làm tấm gương cho người hâm mộ, ít nhất phải tốt nghiệp cấp 3, thông thường phải trải qua quá trình học đại học.


Nhiều nghệ sĩ trẻ của Trung Quốc bị công kích vì học vấn thấp.

Theo Sina, khán giả Trung Quốc rất coi trọng vấn đề học vấn của nghệ sĩ. Thời gian gần đây, nhóm nhạc thần tượng Thời đại thiếu niên đoàn (TNT) có vài thành viên nhận kết quả thi đại học không tốt hoặc bị nghi ngờ về quá trình nhập học, khiến thiện cảm của khán giả giảm sút.

Trước đó, nam ca sĩ Đồng Trác, nam diễn viên Địch Thiên Lâm đã đánh mất sự nghiệp chỉ vì gian dối về bằng cấp. Trong khi đó, với những nghệ sĩ có thành tích học tập tốt như Dịch Dương Thiên Tỉ, Vương Nguyên, Trương Tân Thành,... họ trở thành niềm tự hào của người hâm mộ.

Theo Sina, thần tượng có học vấn thấp cũng dễ bị bôi đen. Dương Siêu Việt, Vương Nhất Bác hay Triệu Lệ Dĩnh thường bị chê có EQ thấp. Mỗi hành động của họ đều bị đánh giá một cách ác ý. Điều này ảnh hưởng lớn tới hình ảnh nghệ sĩ với công chúng.

Bên cạnh bằng cấp về văn hóa, việc được đào tạo bài bản về nghệ thuật cũng có sức ảnh hưởng lớn. Các nữ ca sĩ như Mạnh Mỹ Kỳ, Ngô Tuyên Nghi, Trình Tiêu, Dương Siêu Việt, Lại Quán Lâm... đều nổi tiếng nhờ show giải trí, sau đó được mời tham gia đóng phim. Tuy nhiên, do không được đào tạo về diễn xuất nên bị đánh giá là "thảm họa màn ảnh".

Trang 163 cho biết thêm Vương Nhất Bác là MC của chương trình Thiên thiên hướng thượng trong nhiều năm, song, anh không thể hiện được sự ứng biến trong cách dẫn dắt, bị chỉ trích vì làm MC kém duyên.

Tổng cục Quảng bá Phát thanh Truyền hình Quốc gia Trung Quốc (NRTA) đã ra thông báo buộc các MC phải có chứng chỉ hành nghề. Do đó, Vương Nhất Bác phải lấy danh nghĩa khách mời để tham gia chương trình thay vì là MC chính thức.

Thiết lập tiêu chuẩn cho nghệ sĩ

Theo ông Trương, giám đốc Hiệp hội Biểu diễn Thương mại Bắc Kinh, để ngành công nghiệp giải trí trở nên tốt hơn cần bắt buộc nghệ sĩ phải có giấy phép làm nghề, trải qua các khóa đào tạo về tư tưởng, đạo đức, chính trị, lý thuyết biểu diễn.

Giữa tháng 9, Hiệp hội Biểu diễn Hoành Điếm tổ chức kiểm tra, đánh giá chuyên môn với 600 diễn viên võ thuật - hành động đang làm việc ở phim trường lớn nhất Trung Quốc.

"Yêu cầu đối với chất lượng phim ảnh ngày một cao, vì vậy cần diễn viên giỏi để đáp ứng. Diễn viên hành động thường xuyên được sử dụng trong các dự án. Họ là nhóm nghệ sĩ đặc biệt, cần đánh giá khắt khe. Chúng tôi lên kế hoạch cấp chứng chỉ hành nghề cho người đủ chuẩn, và xem đây là giấy phép bắt buộc khi làm việc ở Hoành Điếm", bà Lại Ngọc Trân - Chủ tịch Hiệp hội Biểu diễn Hoành Điếm - cho biết.

Đây được xem là bước đầu trong kế hoạch nâng cao chất lượng nghệ sĩ của Trung Quốc.

iFeng cho rằng việc cấp chứng chỉ hành nghề có thể không liên quan đến học vấn, nghệ sĩ chỉ cần chứng minh khả năng nghệ thuật của mình. Tuy nhiên, chứng chỉ là một "tiêu chuẩn mới" buộc các diễn viên trẻ phải trau dồi kỹ năng liên tục.

Hiện tại, trong giới giải trí Trung Quốc xuất hiện tình trạng lớp "diễn viên nhựa", diễn viên tay ngang chuyển từ các ngành khác như ca hát, nhảy múa sang.


Các ca sĩ chuyển sang diễn xuất bị gọi là "thảm họa màn ảnh".

Một số diễn viên vốn xuất thân từ cuộc thi tuyển chọn thần tượng, sau khi có danh tiếng được công ty quản lý lăng xê, giao vai diễn, dù chưa được đào tạo bài bản, chưa có kinh nghiệm.

Hồi tháng 1, trong show Sự ra đời của diễn viên, Chương Tử Di đã chỉ trích thậm tệ nữ thần tượng Kim Tử Hàm vì chuẩn bị phần thi không tốt. Kim Tử Hàm vốn học hát nhảy, không chuyên tâm làm ca sĩ.

"Vì sao nhất định phải làm diễn viên, lẽ nào diễn viên là nghề thấp kém đến vậy sao? Ai cũng muốn đến phân một chén canh? Chúng tôi đều tôn trọng những phần biểu diễn ở đây. Tuy nhiên, các bạn lại không biết khi có được một vai diễn, bạn phải dành bao nhiêu công sức cho nó, phải hy sinh thế nào mới có thể tạo nên nhân vật kinh điển khiến mọi người yêu thích. Nếu các bạn không có lòng tin thì đừng đứng lên sân khấu này", Chương Tử Di nói.

Sau đó, nữ diễn viên giải thích cô không nhắm vào người nào cụ thể nhưng cảm thấy lo lắng cho sự phát triển của điện ảnh nước nhà. Chương Tử Di chia sẻ hiện tại nhiều người cho rằng làm diễn viên là cánh cửa dễ dàng để nổi tiếng, ai cũng thể thể đi đóng phim. "Diễn xuất thì dễ nhưng để diễn hay lại khó", cô khẳng định.

Nghệ thuật là ngành nghề đặc thù

Tuy nhiên, quan điểm về "chứng chỉ hành nghề diễn viên" của một số cơ quan quản lý nghệ thuật Trung Quốc trở thành đề tài bàn luận sôi nổi và vấp phải ý kiến phản đối của chính những đạo diễn, diễn viên trong nghề.

Đạo diễn Giả Chương Kha, người có tiếng nói trọng lượng trong giới làm phim Trung Quốc cho rằng đề xuất này không khả thi, không thực tế. Giả Chương Kha lấy ví dụ năm 2006, khi thực hiện bộ phim Still Life, đạo diễn đã mời Hàn Tam Minh, vốn là thợ mỏ đóng vai chính, phim giành được giải Sư Tử Vàng tại LHP Venice.

"Tôi nghĩ Hàn Tam Minh phù hợp với bộ phim Still Life của tôi. Nhưng nếu áp dụng hệ thống đầu vào của ngành như thế, tôi không thể lựa chọn anh ấy. Nghệ thuật đôi khi cần những gương mặt mới, những cá tính lạ lẫm như vậy", Giả Chương Kha nói.

Đạo diễn phim Chạm vào tội ác tiếp tục: "Với mỗi bộ phim, chúng tôi cần những diễn viên có phong cách riêng. Với vai diễn này, chúng tôi cần diễn viên chuyên nghiệp, nhưng ở nhân vật khác, người bình thường lại là sự lựa chọn tốt hơn". Hàn Tam Minh đã nhận giải Nam chính xuất sắc tại Liên hoan phim quốc tế Chile, cho vai diễn một người thợ mỏ trong phim Still Life.


Châu Tấn, Củng Lợi, Thư Kỳ không có bằng cấp cao vẫn diễn xuất thần.

Đạo diễn Giả Chương Kha cho rằng người nổi tiếng nên được quản lý bằng pháp luật và các tiêu chuẩn đạo đức nghề nghiệp, hơn là cấp thẻ hành nghề, đề xuất trên làm phí phạm nguồn nhân lực mà không đem lại hiệu quả cần thiết.

Theo Sina, thực tế các nghệ sĩ như Củng Lợi, Châu Tấn, Thư Kỳ, Thang Duy, Tạ Đình Phong, đều chỉ học hết cấp 3, thậm chí bỏ học sớm. Tuy nhiên, các diễn viên vẫn thể hiện được tài năng nghệ thuật của mình, đóng góp những vai diễn kinh điển khó thay thế.

Bên cạnh đó, người hâm mộ cũng kêu gọi tẩy chay thái độ hành xử kém văn minh, miệt thị xuất thân và trình độ học vấn của nghệ sĩ trong showbiz. Do đó, vấn đề học lực và chứng chỉ hành nghề của nghệ sĩ vẫn đang gây tranh cãi.

Theo zing.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com