Sạn ẩu trong phim về trò chơi sinh tử 'Squid Game'

Bên cạnh những cảnh máu me, đấu trí gây chú ý, "Squid Game" để lại nhiều sạn, lỗ hổng đáng tiếc về kịch bản.


Sau khi phát hành trên Netflix vào ngày 17/9, Squid Game trở thành tựa phim được chú ý ở nhiều quốc gia, trong đó có Việt Nam.

Tác phẩm kể về 456 con người "ở đáy xã hội", mang trong người số nợ khổng lồ và không có khả năng chi trả. Họ được mời tham gia trò chơi sinh tồn với hình thức tự nguyện. Người chiến thắng cuối cùng mang về số tiền lên đến 45,6 tỷ won (khoảng 38,7 triệu USD).

Nhân vật trung tâm của bộ phim là Seong Gi Hun (Lee Jung Jae đóng). Anh vốn có công việc ổn định, nhưng sau đó kinh doanh thua lỗ, chìm vào cờ bạc, bị vợ con bỏ rơi và phải sống bám mẹ già. Gi Hun quyết định tham gia trò chơi sinh tồn vì "không muốn sống ở đáy xã hội cho đến lúc chết".

Theo WikiTree, tác phẩm về trò chơi sinh tử giữa 456 con người được đạo diễn Hwang Dong Hyuk ấp ủ và lên kế hoạch tận 10 năm. Song, sau khi phát hành, phim không tránh khỏi sự thất vọng bởi sạn lớn, lỗ hổng kịch bản dễ nhận ra.

Sạn khó chịu trong phim

Sau khi đồng ý tham gia cuộc chơi sinh tử để giành số tiền khổng lồ, người chơi được phát trang phục mang trên người "con số tử thần". Ở đây, họ được gọi với cái tên "người chơi số 1-456", không phân biệt giai cấp, địa vị trước đó ngoài xã hội.

Tuy nhiên, việc 456 con người khoác trên người trang phục giống nhau, chỉ khác ở những con số trên ngực dễ gây nhầm lẫn khi xuất hiện trên phim. Trong cảnh quay ở trò "Tách kẹo", người chơi 061 là phụ nữ. Tuy nhiên, khi trở lại cảnh giới thiệu, nhân vật số 061 lại là nam giới.



Nhiều sạn làm ảnh hưởng trải nghiệm xem phim của khán giả. Ảnh: Netflix.

Trường hợp này xảy ra không chỉ một lần. Nếu tinh ý, khi theo dõi Squid Game, một số người chơi như 088, 321, 331 liên tục bị hoán đổi giới tính trong các cảnh quay.

Theo WikiTree, khán giả liên tục phát hiện sạn trong bộ phim tưởng như hoàn hảo, đầu tư hoành tráng. Trong phân cảnh ban tổ chức tìm hiểu profile thí sinh làm nghề cửa kính để tìm ra 3 người chơi cuối cùng, nhà sản xuất để lộ lỗi hiển thị. Người đàn ông trung niên khỏe mạnh được hiển thị năm sinh là 1897 thay vì 1987.

Nam chính gây tranh cãi

Trong bộ phim sinh tồn, nhân vật gây khó chịu là nam chính Seong Gi Hun. Gi Hun thất bại trong cuộc sống khi mang trong người số nợ vài trăm triệu won, bị vợ bỏ, sống cùng mẹ già.

Đến sinh nhật con gái, Gi Hun lén trộm thẻ ATM của mẹ, rút toàn bộ số tiền vào trò đua ngựa.

Bước vào trò chơi đương đầu với cái chết, Gi Hun bị cảm xúc chi phối. Anh do dự, thiếu quyết đoán và hoảng loạn trước cảnh giết chóc. Tuy nhiên, anh không có đường lùi.


Gi Hun (phải) quá "ngây thơ" trong trò chơi sinh tồn. Ảnh: Netflix.

Trong cuộc chiến sinh tồn, một là sống, hai là chết, Gi Hun được xây dựng tính cách là người lương thiện.

Anh cần tiền, nhưng không giẫm đạp cộng sự, không bỏ rơi người già hay phụ nữ. Anh luôn dang tay giúp đỡ họ. Đó là sự khác biệt của Gi Hun với người em từ thủa hàn vi Sang Woo cũng tham gia đấu trường sinh tử. Gi Hun và Sang Woo lớn lên ở cùng khu phố, họ là tuổi thơ của nhau nhưng Sang Woo thực dụng, lạnh lùng và quyết tâm ra khỏi hòn đảo với số tiền thưởng. Sang Woo sẵn sàng đẩy cộng sự chết để bản thân sống và thắng.

Gi Hun thắng do một phần may mắn. Sau khi nhận được số tiền khổng lồ, Gi Hun không tiêu bất cứ đồng nào từ giải thưởng, dù anh đang vướng nợ xấu vài trăm triệu won. Anh dằn vặt và thấy tội lỗi sau cái chết của 455 người. Anh sống vất vưởng, lang thang.

Chiến thắng của người chơi 456 cũng đến từ sự thông minh của "cậu bạn máu lạnh Sang Woo", cụ già 001 và sự cứu giúp ở cuối tập 1 của chàng trai nhập cư trái phép người Pakistan.

Ở cuối phim, Gi Hun nhuộm tóc đỏ, đến sân bay chuẩn bị sang Mỹ thăm con gái, nhưng quyết định trở lại trò chơi sinh tồn. Có lẽ anh quay lại với mục tiêu khác.

Tuy nhiên, đây có thể là cái kết mở của nhà sản xuất Squid Game, quyết định đưa Gi Hun trở lại phần hai về series sinh tồn.

Những tình tiết chưa thuyết phục

Bên cạnh trò chơi giữa 456 con người thất bại trong cuộc sống, nhân vật cảnh sát Hwang Jung Ho (Wi Ha Joon đóng) đột nhập vào cơ sở ngầm để tìm anh trai mất tích. Tuy nhiên, vai trò của anh chưa được thể hiện rõ trong phần một.

Một số tình tiết phim còn dễ dàng như cơ sở ngầm với hàng nghìn nhân viên được đào tạo quy củ nhưng hệ thống an ninh lỏng lẻo. Nhân vật do Wi Ha Joon đóng trót lọt vượt qua hàng phòng thủ, vô số lần thoát chết dù đối mặt tình huống nguy cấp.

Từ lúc đột nhập, hoán đổi thân phận với hàng loạt nhân viên, cảnh sát Hwang Jung Ho đều hoạt động suôn sẻ.


Cảnh sát Hwang Jung Ho đột nhập vào cơ sở quy mô lớn một cách dễ dàng, thuận lợi. Ảnh: Netflix.

Đến gần cuối, Hwang Jung Ho phát hiện thủ lĩnh thay mặt ông trùm điều khiển game từ đầu đến cuối thực chất là anh trai mình. Hai người có màn đấu súng và viên cảnh sát rơi xuống nước. Số phận của nhân vật bị bỏ ngỏ, dự đoán trở lại trong phần hai.

Cái chết ở cuối phim của cô gái móc túi nhập cư từ Triều Tiên Kang Sae Byeok (Jung Ho Yeon đóng) cũng khiến khán giả hụt hẫng.

Ngay từ đầu phim, Kang Sae Byeok được xây dựng là nhân vật nguy hiểm của trò chơi sinh tồn. Cô có biệt tài móc túi, trót lọt giấu dao, qua mặt nhân viên để làm vũ khí phòng thân.

Sae Byeok cũng được đánh giá cao vì không để hoàn cảnh chi phối số phận. Cô hợp tác cùng Han Mi Nyeo (Kim Joo Ryoung đóng), đột nhập lỗ thông gió để tìm hiểu tổ chức.

Được kỳ vọng là tình tiết đắt của bộ phim, cuối cùng hành động của Sae Byeok không thể hiện được điều gì. Chi tiết ốc vít ở lỗ thông gió được quay cận, nhưng đến cuối phim không giải quyết khiến người xem không đoán được ý đồ đạo diễn.

Trái ngược với Gi Hun mông lung về cuộc đời, xao nhãng trong thử thách sống còn là hai con người có mục tiêu rõ ràng Sang Woo và Sae Byeok.


Cái kết của Sang Woo và cô gái móc túi Sae Byeok không mấy thỏa đáng. Ảnh: Netflix.

Song, ở đoạn gần kết, Gi Hun sau khi giành chiến thắng đến tìm em trai của Sae Byeok và gửi gắm mẹ của Sang Woo, để lại một khoản tiền cho hai bà cháu phần nào làm hài lòng khán giả.

Bỏ qua những lỗ hổng kịch bản, Squid Game là series của Hàn Quốc hiếm hoi gây tiếng vang, tạo hiệu ứng mùa giãn cách. Những cảnh máu me, giết chóc đặc trưng của thể loại, đoạn giới thiệu hấp dẫn về "trò chơi con mực", những đoạn nhạc thiếu nhi lồng ghép vào cảnh bắn giết để lại ấn tượng với khán giả yêu thích dòng phim sinh tồn.

Theo zing.vn

Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com