Châu Tinh Trì, Chân Tử Đan chạy theo cách làm phim mới

Thay vì chịu sự chi phối của đại dịch Covid-19, nhiều công ty sản xuất phim ở Trung Quốc chọn hình thức phát hành trực tuyến.

Theo SCMP, vua hài Châu Tinh Trì tuyên bố ký hợp đồng làm phim trực tuyến với Tencent Video vào tháng 6. Đạo diễn, diễn viên nổi tiếng là cái tên tiếp theo tiếp bước nhiều ngôi sao hạng A như Đường Quý Lễ, Chân Tử Đan mạo hiểm thoát khỏi cách làm phim điện ảnh truyền thống, đi theo con đường sản xuất phim trực tuyến.

Một tuần sau thông báo của Châu Tinh Trì, Dirty Monkeys Studio - công ty được thành lập bởi đạo diễn Ninh Hạo - công bố các thỏa thuận làm phim trực tuyến với gã khổng lồ trực tuyến iQiyi và nền tảng video Bilibili.

SCMP cho rằng sự tham gia của nhiều đạo diễn, ngôi sao lớn biến ngành công nghiệp phim trực tuyến trở thành xu thế làm phim mới, là công cụ hái ra tiền của giới làm phim Trung Quốc.

Hướng đi tiềm năng

Vào tháng 4, The Legend Hunters của Tencent Video thu về 849.000 USD trong ngày đầu ra mắt. Bộ phim kinh dị lấy bối cảnh thời Dân quốc phá kỷ lục về doanh thu trực tuyến tại Trung Quốc. Hiện tại, nhà sản xuất thu hơn 6,1 triệu NDT sau khi chia lợi nhuận cho các nền tảng trực tuyến.

Theo báo cáo của công ty dữ liệu Enlightent.cn, trong 6 tháng đầu năm 2021, có tổng cộng 295 bộ phim trực tuyến được phát hành. Trong số đó, có 33 phim thu về lợi nhuận trên 1,5 triệu USD. Có đến 8/33 phim thu được hơn 3 triệu USD và có hai bộ phim mang về hơn 4,6 triệu USD cho nhà sản xuất. Tổng lợi nhuận của 33 bộ phim ăn khách là 86,7 triệu USD.


Doanh thu và lợi nhuận của phim trực tuyến ngày càng khả quan. Ảnh: Tencent.

So với năm 2019, đây là con số lớn. Hai năm trước, Trung Quốc có 438 bộ phim trực tuyến được phát hành và chỉ mang về khoảng 30,3 triệu USD. Trong số đó chỉ có 15 tác phẩm đạt lợi nhuận trên 1,5 triệu USD.

Việc dòng phim trực tuyến bùng nổ dẫn đến sự gia nhập của nhiều doanh nghiệp, trong số đó có Befun Film and TV Production. Công ty thậm chí thành lập hai công ty con chuyên để sản xuất phim trực tuyến. Hai bộ phim online đầu tiên của hãng là Feng Sheng Lei Zhen Zi và Sniper 2, đang trong giai đoạn tiền sản xuất, dự kiến ra mắt dịp cuối năm.

Leo Lin, người sáng lập Befun, nói rằng tiềm năng cho phim trực tuyến của Trung Quốc là rất lớn: “Thị trường đang trong giai đoạn khởi đầu. Trong tương lai, các bộ phim có thể vượt mặt phim điện ảnh truyền thống về mặt doanh thu”.

Leo Lin cho biết ông đang thảo luận với hai công ty sản xuất và ba nền tảng phát trực tuyến để mở rộng quy mô sản xuất phim chiếu online.

"Trong tương lai, phim phát trực tuyến được đầu tư mạnh không khác gì các bản chiếu rạp. Chi phí sản xuất sẽ từ hàng chục đến hơn 100 triệu NDT. Phim có sự tham gia của diễn viên hạng A, quy mô sẽ giống như Rising Shaolin: The Protector (2021) - bộ phim trực tuyến do Đường Quý Lễ làm đạo diễn, Vương Bảo Cường đóng chính", Lin khẳng định.

Tương lai của phim ảnh Trung Quốc

Theo SCMP, sự phát triển vượt trội của phim online nở rộ khi đại dịch Covid-19 ập đến, các cụm rạp chịu cảnh đóng cửa.

Năm 2020, Lost in Russia trở thành bộ phim đầu tiên trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc hủy bản phát hành tại rạp, chuyển thẳng sang phát trực tuyến. Với kinh phí 46,3 triệu USD, ByteDance - công ty sở hữu Xigua, Douyin và Houshan - sẵn sàng mua lại với giá 92,6 triệu USD để phát online.

Trong ba ngày đầu phát trên nền tảng Bytedance, bộ phim thu hút 180 triệu người dùng. Một phép thử đưa ra, Ngộ sát - bộ phim có doanh thu cao nhất Trung Quốc trước khi đại dịch ập đến - chỉ thu hút 35 triệu khán giả đến rạp trong 44 ngày.

Tiềm năng doanh thu đã thúc đẩy nhiều tên tuổi lớn trong ngành giải trí hướng đến miếng mồi ngon. Enter the Fat Dragon - bộ phim có sự tham gia của Chân Tử Đan - đạt được thỏa thuận với iQiyi để chiếu trên nền tảng trực tuyến hồi đầu năm 2020.

Trong dịp Tết Nguyên đán, nhiều bộ phim có sự góp mặt của sao hạng A như Rising Shaolin: The Protector và Dreams of Getting Rich đều từ chối ra rạp và phát hành dưới dạng phát trực tuyến có tính phí.

Dou Lili, người thành lập công ty M&H Pictures chuyên làm phim trực tuyến, cho biết các nền tảng như iQiyi khuyến khích nhiều đạo diễn tham gia hình thức làm phim nhiều lợi nhuận trong mùa dịch. Cô hoan nghênh kế hoạch thay đổi mức phí mới của iQiyi nhằm thu hút các nhà sản xuất.

Các nền tảng phát trực tuyến ở Trung Quốc thu tiền người dùng dựa trên thời lượng truy cập ứng dụng, khác với các nền tảng ở phương Tây như Netflix, thu phí truy cập hàng tháng. Theo SCMP, điều này giúp các nhà sản xuất có thêm lợi nhuận. Trong khi đó, nếu đưa phim ra rạp, nhà sản xuất chỉ được hưởng 38% từ doanh thu.



Phim phát trực tuyến ngày càng đầu tư về chất lượng. Ảnh: M&H Pictures.

Dou Lili cho biết việc phát trực tuyến hạn chế rủi ro cho nhà sản xuất nhiều hơn phát hành phim ở rạp. “Với phim chiếu rạp, nếu doanh thu phòng vé kém trong ba ngày đầu, các cụm rạp sẽ hạn chế suất chiếu. Về cơ bản, bộ phim sẽ thất bại. Đối với phim phát online thì không như thế”, cô nói.

Khi nói đến thể loại phim ăn khách, Dou cho rằng các tựa phim nhượng quyền thương mại là công thức thành công. Tác phẩm gần đây của M&H Pictures là Anh hùng xạ điêu: Hàng long thập bát chưởng dựa trên tác phẩm võ hiệp kinh điển của Kim Dung

Theo lời nhà sản xuất M&H Pictures, hai bộ phim đều là “hit”, kiếm được khoảng 1,5 triệu USD/phim cho đến nay. Cô cho rằng tiểu thuyết Anh hùng xạ điêu được các nhà sản xuất phim truyền hình săn đón, song chưa có ai chuyển thể truyện thành tác phẩm điện ảnh thời gian gần đây. Công ty đã nắm bắt được điều đó và thành công.

“Những phiên bản phim truyền hình kinh điển nhất của Thần điêu đại hiệp chủ yếu đến từ Hong Kong thập niên 1980-1990. Hiện tại, phim chúng tôi có sự tham gia của nhiều ngôi sao Hong Kong như Đỗ Đức Vỹ và Quan Lễ Kiệt. Chúng tôi hy vọng điều đó khơi lại niềm yêu thích của khán giả”, cô khẳng định.

Theo SCMP, ngành công nghiệp làm phim trực tuyến ở Trung Quốc nở rộ vào khoảng năm 2014. Khi đó, chi phí sản xuất thường nhỏ, khoảng từ 15.000-30.000 USD/phim. Tuy nhiên, với thị trường nhỏ lẻ, không được khán giả chào đón, những bộ phim thường có chất lượng thấp.

Song, khi nhu cầu của khán giả tăng, ngành công nghiệp phim trực tuyến phát triển mạnh và dần trở thành công cụ hái ra tiền, tương lai không thua kém các bộ phim chiếu rạp.

Theo zing.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com