Giá trị thật sự đằng sau danh xưng 'nữ thần Kpop'

Việc chạy theo danh xưng "nữ thần Kpop" chỉ khiến thần tượng nữ chịu nhiều định kiến và thiệt thòi.

"Các nữ thần tượng Kpop thường xuất hiện trước ống kính thế nào? Hình mẫu tiêu chuẩn của các ngôi sao âm nhạc là gì? Việc được gọi là 'nữ thần' có thực sự là lời khen dành cho các thần tượng nữ?".

Đây là những câu hỏi sẽ được hé mở trong cuốn sách Being Called Goddess a Compliment? (tạm dịch: Việc được gọi là nữ thần có phải là lời khen?).

Chuyên gia Choi Ji Sun - tác giả quyển sách - đã thực hiện hàng loạt cuộc kiểm tra kỹ lưỡng về các nhóm nhạc Kpop, nhất là idol nữ đang tác động đến văn hóa Kpop.

Dựa trên 20 năm kinh nghiệm phân tích âm nhạc, Choi đưa ra nhiều câu hỏi, giải thích cặn kẽ văn hóa Kpop từ cách chọn trang phục, phong cách biểu diễn trên sân khấu, từ đó giải đáp câu hỏi: Việc được tung hô có phải là điều đáng mừng cho các thần tượng Kpop?

"Nghiên cứu và viết về lịch sử Kpop, tôi chú ý nhiều đến sự vận động và phát triển của văn hóa thần tượng. Bản thân là phụ nữ, tôi thích tìm hiểu cuộc sống và âm nhạc của các idol nữ và nhận thấy có nhiều bất công", Choi Ji Sun giải thích động cơ thúc đẩy cô viết sách.

Nữ thần - danh xưng đáng quên?

Phải thừa nhận một điều rằng cả idol nam và thần tượng nữ đều có mẫu số chung. Trở thành thực tập sinh từ khi còn trẻ, họ được đào tạo trong nhiều năm từ âm nhạc, vũ đạo đến diễn xuất.

Đến khi ra mắt và hoạt động với tư cách idol, họ trải qua hàng loạt quy tắc nghiêm ngặt. Điều đáng nói, do được công ty đầu tư với số tiền lớn, thần tượng Hàn Quốc vô tình trở thành "món hàng", làm việc để trả nợ cho công ty quản lý.

Không chỉ hoạt động trong lĩnh vực âm nhạc, những thần tượng Kpop còn lấn sân sang nhiều lĩnh vực như thời trang, phim truyền hình, quảng cáo... Do được ngưỡng mộ, nhiều khi idol bị "thần thánh hóa". Dần dần, thần tượng Kpop bị quy chụp đồng nghĩa với con người hoàn hảo, không mắc sai sót.

Tuy nhiên, so với các idol nam, thần tượng nữ hoạt động tại Kpop chịu nhiều bất công hơn. "Đó là phân biệt đối xử chứ không còn là sự khác biệt", Choi nói.





Cùng là trang đồng phục học sinh nhưng cách nhìn nhận giữa idol nam và nữ có nhiều khác biệt.

Vấn đề sâu xa và điển hình nhất là cái nhìn khắt khe của người hâm mộ với màn biểu diễn của idol trong MV. Theo quyển sách, idol nữ bị đặt vào tình thế éo le. Họ chỉ được chọn hoặc là gợi cảm, trông như nữ thần hoặc hình tượng nữ sinh ngây thơ.

Những điều trên vô hình trung thở thành thước đo gắn idol nữ với sự thuần khiết, ngây thơ và vô hại. Các nhóm nhạc nữ thường quảng bá hình ảnh ngây thơ và trẻ trung bằng cách chọn đồng phục học sinh làm trang phục sân khấu.

Trong khi đó, các nhóm nhạc nam như EXO và BTS có thể sử dụng đồng phục để bày tỏ quan điểm, thể hiện sự giận dữ của thanh thiếu niên. Cùng là những chiếc áo sơ mi và cà vạt mặc thường ngày, sự thể hiện giữa hai phái vô cùng khác biệt, quyển sách ghi.

"Trong khi đồng phục của các nhóm nhạc nam có thể là một công cụ để chỉ trích xã hội, idol nữ chỉ dùng chúng như phép ẩn dụ về tuổi thanh xuân tươi đẹp, thuần khiết", Choi viết.

Và rồi, những định kiến, áp đặt dần trở thành lý tưởng sống. Idol nữ vốn là người bình thường bỗng trở thành "sinh vật thần thoại siêu việt", theo Korea Times.

"Thành viên trong các nhóm nhạc nữ không còn là con người nữa. Họ ngây thơ, thuần khiết và rời xa những ham muốn thể xác thông thường. Họ phải nỗ lực rất nhiều để tạo dựng và duy trì hình ảnh này. Khi về già, hình ảnh đó không còn giá trị. Cuối cùng, họ bị lãng quên và chịu nhiều thiệt thòi", chuyên gia giải thích thêm.

Thay đổi hay đối mặt định kiến?

Đã có nhiều nhóm nhạc cố gắng tách khỏi điều đó và quảng bá hình ảnh "girl crush". Đây là thuật ngữ chỉ người phụ nữ tiến bộ và tự chủ, khác xa với quan điểm truyền thống của Hàn Quốc về sự nữ tính.

Tuy nhiên, hình tượng "girl crush" cũng có giới hạn. Do đối lập với sự ngây thơ, dễ thương và thụ động, văn hóa này thường bị chỉ trích, đặc biệt là người cổ hủ và nam giới. Choi Ji Sun cho rằng nhiều người cho đây là sự phỉ báng, phá vỡ hình tượng nữ tính thường thấy.

Trước khi tan rã, Miss A đã thiết lập tiêu chuẩn cho hình ảnh "girl crush" - hoàn hảo cả về ngoại hình lẫn sức mạnh kinh tế. Họ thể hiện điều này thông qua các MV, lời bài hát và cả phong cách biểu diễn.



Ngày càng nhiều nhóm nhạc Kpop không dựa vào khoe thân để nổi tiếng.

Tuy nhiên, theo tác giả Choi Ji Sun, dù có định kiến, việc thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào sự nỗ lực của các "girl crush".

"Nếu nỗ lực đủ lớn, thành công sẽ đến. Khi liên tục thử thách những cái mới, sản phẩm âm nhạc của các nhóm nhạc nữ ngày càng đa dạng. Lâu dần, xã hội sẽ đón nhận bởi điều này", Choi nói, đồng thời giải thích con người thường được tác động bởi những thứ tích cực.

Choi Ji Sun đề cập đến MV Butterfly của Loona và gọi đây là ví dụ điển hình cho việc lật đổ định kiến thông thường về phụ nữ. "Các thành viên mặc đồ đen dài, không hề hở hang nhưng vẫn được chú ý. Trong MV có hình ảnh nhiều cô gái từ các quốc gia khác nhau như Hàn Quốc, Hong Kong, Pháp... chạy trên đường phố, leo lên mặt bàn để nói lên việc phụ nữ hoàn toàn bình đẳng với nam giới", Choi nói.

Trong ngành công nghiệp Kpop, các thần tượng nữ phần lớn không được xem trọng. Hiện tại, vẫn còn nhiều sự bất công về bình đẳng giới trong nghệ thuật. Các nhà soạn nhạc, nhà sản xuất, kỹ sư và chuyên gia hậu trường thường là nam giới", quyển sách viết.

Tác giả Choi Ji Sun cũng nhấn mạnh tuổi tác là vấn đề chủ chốt trong ngành giải trí. Có một số ý kiến ​​cho rằng phụ nữ lớn không thể lột tả được sự nhạy cảm của một cô gái trẻ và âm nhạc nói chung.



Nữ quyền đang trỗi dậy mạnh mẽ ở Kpop.

Các nhóm nhạc nữ cũng bị cho là không đủ tư cách tiếp cận các chủ đề nhạy cảm, đặc biệt là các chủ đề liên quan đến giới như nữ quyền vì sợ mất lòng khách hàng, người hâm mộ là nam.

Trong môi trường đầy rẫy định kiến, Choi kêu gọi Kpop, bao gồm bản thân các thần tượng nữ, nhà sản xuất, công ty giải trí, truyền thông, nhà phê bình và người tiêu dùng, hãy chung tay để mang lại sự thay đổi có ý nghĩa và bền vững.

Trong cuốn sách, chuyên gia có 20 năm kinh nghiệm về Kpop không dám khẳng định đưa ra hình ảnh “đúng đắn”, tư duy phổ quát cho các thần tượng nữ. Choi muốn thúc đẩy một cuộc thảo luận lành mạnh, mọi người cùng tham gia và đi đến quyết định chung.

"Tôi hy vọng mọi người có thể thảo luận và chia sẻ những hạn chế, vấn đề khác nhau mà các nhóm nhạc nữ đang đối mặt. Đã đến lúc phải giải đáp câu hỏi, liệu trở thành một nữ thần Kpop có phải là điều đáng mừng?", Choi nhấn mạnh.

Theo zing.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com