Disney vỡ mộng với "Mộc Lan" tại Trung Quốc

Khán giả Trung Quốc không mặn mà với “Mulan” khi thành tích trong ngày đầu khởi chiếu của bộ phim tại thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới chưa chạm nổi mốc 10 triệu USD.
Theo Forbes, doanh thu ngày khởi chiếu 11/9 của Mulan tại Trung Quốc là 7,96 triệu USD. Con số bao gồm cả các suất chiếu sớm vào tối 10/9. Tờ tạp chí nhận định doanh thu của bộ phim tại quốc gia tỷ dân sau ba ngày khởi chiếu sẽ rơi vào khoảng 24 triệu USD, và tổng thành tích sau khi kết thúc trình chiếu là 52 triệu USD.

Disney chắc chắn không thể cảm thấy hài lòng với những con số đó, nhất là sau khi họ đã phải phát hành bộ phim trị giá 200 triệu USD qua hệ thống chiếu phim trực tuyến Disney+ tại Bắc Mỹ trước đó.

Một canh bạc thất bại
Có nhiều nguyên nhân dẫn tới thất bại của Mulan tại Trung Quốc. Việc bộ phim được phát hành trên Disney+ từ 3/9 khiến bản lậu sớm bị lọt lên mạng Internet. Trên Douban - trang web tương đương IMDb đối với người Trung Quốc, bộ phim có Lưu Diệc Phi đóng chính chỉ được chấm điểm 4,7/10. Một số mạnh dạn bình luận đây là phiên bản điện ảnh kém nhất về Hoa Mộc Lan từ trước tới nay.

Ngược dòng thời gian, dự án Mulan được Disney công bố hồi đầu 2015. Đó là thời điểm Disney đang hân hoan ăn mừng chiến thắng của Maleficent (2014). Phiên bản live-action dựa trên Sleeping Beauty với tâm điểm là Tiên Hắc ám do Angelina Jolie thủ vai trải qua quá trình phát triển sóng gió, bị báo chí lạnh nhạt, nhưng rốt cuộc vẫn đem về tới 758 triệu USD toàn cầu, so với kinh phí sản xuất 180 triệu USD.


Dự án Mulan được công bố từ năm 2015, thời điểm Disney đang ăn mừng chiến thắng của Maleficent. Ảnh: Disney.

Maleficent là bộ phim live-action (người đóng) thứ ba dựa trên các phim hoạt hình hoặc truyện cổ tích nổi tiếng mà Disney từng thực hiện. Trước đó, Alice in Wonderland (2010) mang về hơn 1,02 tỷ USD nhờ cơn sốt phim 3D do Avatar (2009) tạo ra, còn Oz: The Great of Powerful mang về cho “nhà chuột” 492 triệu USD.

Cũng trong 2014, Transformers: Age of Extinction (2014) trở thành bộ phim ăn khách nhất năm với hơn 1,1 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc đóng góp tới 320 triệu USD và cho thấy tiềm năng để Hollywood mở rộng thị trường.

Giả sử không có dịch Covid-19, mọi chuyện chắc chắn dễ dàng hơn với dự án 200 triệu USD do đạo diễn Niki Caro thực hiện. Hồi tháng 3, giới quan sát phòng vé nhận định Mulan có thể thu 80-90 triệu USD sau ba ngày đầu trình chiếu tại Bắc Mỹ. Các tờ báo quốc tế dành nhiều lời khen cho bộ phim sau sự kiện thảm đỏ diễn ra ở Los Angeles, Mỹ hồi đầu tháng 3.

Theo Forbes, Disney khi ấy kỳ vọng Mulan sẽ trở thành cú hit trên toàn cầu, chứ không chỉ riêng Trung Quốc, dù bộ phim tập hợp toàn ngôi sao Hoa ngữ gồm Lưu Diệc Phi, Chân Tử Đan, Củng Lợi, Lý Liên Kiệt…
Gu thưởng thức của người Trung Quốc đã thay đổi
Năm 2009, hai tập phim Xích Bích của Ngô Vũ Sâm thu tổng cộng 250 triệu USD, trong khi bom tấn Avatar kiếm được 200 triệu USD tại riêng Trung Quốc. Nhưng sau đó, Tây du ký: Mối tình ngoại truyện (2013) thu hơn 200 triệu USD và Tây du ký: Đại náo thiên cung (2014, bản có Chân Tử Đan sắm vai Tôn Ngộ Không) kiếm gần 200 triệu USD. Đó là những dấu hiệu cho thấy sự vươn lên mạnh mẽ thị trường điện ảnh Trung Quốc.

Cộng thêm những chính sách có lợi mỗi dịp Tết Nguyên đán và trong mùa phim hè, các bộ phim Trung Quốc liên tục xô đổ kỷ lục phòng vé. Đầu 2016, Mỹ nhân ngư của Châu Tinh Trì kiếm 550 triệu USD tại riêng quê nhà.

Đến mùa hè 2017, Chiến lang 2 của Ngô Kinh khiến Hollywood ghen tị với thành tích 854 triệu USD nội địa. Đó hiện vẫn là con số doanh thu cao thứ ba lịch sử đối với một thị trường điện ảnh, chỉ sau Star Wars: The Force Awakens (2015, 937 triệu USD tại Bắc Mỹ) và Avengers: Endgame (2019, 858 triệu USD tại Bắc Mỹ).


Chỉ cần thị trường quê nhà, một số bộ phim Trung Quốc cũng đạt doanh thu như phim Hollywood tính trên diện toàn cầu. Ảnh: Outnow.

Các xuất phẩm của điện ảnh Trung Quốc vẫn chưa thôi gây bão. Trong năm 2019, Lưu lạc địa cầu cũng của Ngô Kinh mang về 692 triệu USD, còn phim hoạt hình Na Tra đem lại 724 triệu USD và giúp mở ra một vũ trụ điện ảnh mới.

Cùng lúc đó, khán giả Trung Quốc vẫn ra rạp xem phim Hollywood. Song, tâm thế của họ dần thay đổi. Người Trung Quốc không còn đặt bom tấn Hollywood lên hàng đầu, cũng như không quá quan tâm đến kiểu tác phẩm mà kinh đô điện ảnh “đo ni đóng giày” cho mình.

Có một số kiểu phim hành động hạng B vẫn được người Trung Quốc ủng hộ, như The Meg (2018) của Jason Statham hay Rampage (2018) của Dwayne “The Rock” Johnson. Nhưng Trường Thành (2016) của Trương Nghệ Mưu là một cú vấp ngã. 155 triệu USD từ riêng Trung Quốc là không đủ để cứu vãn doanh thu toàn cầu nghèo nàn chỉ ở mức 335 triệu USD sau khi Universal đã bỏ ra tới 150 triệu USD để thực hiện bộ phim.

Mulan hiện rơi vào tình huống tương tự. Chọn một nhân vật dân gian Trung Quốc, ghi hình bộ phim tại Trung Quốc, chiêu mộ những ngôi sao hàng đầu Trung Quốc, tất cả không giúp bộ phim lôi kéo được người Trung Quốc tới rạp. Éo le thay, bộ phim còn xây dựng Mộc Lan như một siêu anh hùng, trong khi khán giả quốc gia tỷ dân đang “mê mệt” phim siêu anh hùng Hollywood.


Người Trung Quốc hiện đam mê phim siêu anh hùng của Hollywood và không còn mặn mà với các thể loại khác như trước. Ảnh: Warner Bros.

Trước 2018, ngoài các phim Avengers, không có tác phẩm siêu anh hùng nào thu hơn 120 triệu USD tại Trung Quốc, ngoại trừ Iron Man 3 (2013), X-Men: Apocalypse (2016) và Ant-Man and The Wasp (2018). Trong khi đó, các dự án không thuộc dòng này như Rampage, Kong: Skull Island (2017), xXx: Return of Xander Cage (2017) hay thậm chí Resident Evil: The Final Chapter (2017) dễ dàng thu 155-170 triệu USD từ thị trường điện ảnh lớn thứ hai thế giới.

Nhưng mọi chuyện đã thay đổi. Venom (2018) kiếm tới 262 triệu USD, Aquaman (2018) thu 298 triệu USD, hay Captain Marvel (2018) mang lại 154 triệu USD. Cùng lúc đó, không cái tên nào trong số Detective Pikachu (2019), Godzilla: King of the Monsters (2019) hay Alita: Battle Angel (2019) chạm nổi cột mốc 150 triệu USD tại Trung Quốc.

Avengers: Endgame (2019) đã không thể xô đổ kỷ lục 2,78 tỷ USD của Avatar nếu như biệt đội siêu anh hùng không có sự đột biến tại Trung Quốc. So với Avengers: Infinity War (2018), bộ phim tăng doanh thu tới 71% với thành tích 620 triệu USD. Hay như Spider-Man: Far from Home (2019) cũng có doanh thu vượt hơn Spider-Man: Homecoming (2017) tới gần 90 triệu USD.


The Eight Hundred được cho là liều thuốc kích thích phòng vé Trung Quốc. Bộ phim chiến tranh ra mắt từ 21/8 và đã thu khoảng 370 triệu USD. Ảnh: Variety.

Kể từ sau Bumblebee (2018), chỉ có duy nhất một bộ phim Hollywood thu hơn 140 triệu USD mà không thuộc dòng siêu anh hùng. Đó là Hobbs & Shaw (2018) với 200 triệu USD. Nhưng đây vốn là tác phẩm nằm trong một thương hiệu vốn được người Trung Quốc rất yêu mến là Fast & Furious.

Còn có một thực tế khác rằng các bộ phim Hollywood có sự tham gia của dàn sao châu Á hoặc gốc Á như Crazy Rich Asians (2018) hay The Farewell (2019) có thể gây tiếng vang tại Mỹ. Nhưng khi tiến sang phía bên kia bờ Thái Bình Dương, tất cả đều “đến rồi đi” trong sự lặng lẽ.

Ngần ấy yếu tố đã đẩy Mulan tới hoàn cảnh hiện tại. Còn tại dịch Covid-19 ư? Phim chiến tranh The Eight Hundred do người Trung Quốc tự thực hiện đang trên đường tiến tới cột mốc doanh thu 400 triệu USD sau khi khởi chiếu từ 21/8 rồi.

Theo zing.vn

Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com