Bệnh đẹn trăng chỉ xuất hiện khi trăng lên?

Bệnh đẹn trăng nói một cách “thông dụng” là bệnh nhiệt miệng, lở miệng mà ai cũng gặp phải ít nhất một lần trong đời. Vấn đề lở loét bên trong khoang miệng khiến người bệnh bị đau rát, bất tiện trong sinh hoạt và giao tiếp. Vậy làm thế nào để đối phó với chứng bệnh khó chịu này? 


Đẹn trăng còn có tên khoa học là Aphtes. 

Chương trình “Đẹp Không Giới Hạn” tập 93 chủ đề “Cần làm gì khi bị bệnh đẹn trăng” sẽ cùng bác sĩ Võ Thế Vũ (Bệnh viện Răng Hàm Mặt Trung Ương TP.HCM) và Á Hậu Thể Thao Việt Nam Băng Châu giải đáp những thắc mắc liên quan đến cách phòng tránh và điều trị chứng bệnh này. Chương trình “Đẹp Không Giới Hạn” tiếp tục đồng hành cùng nhà tài trợ Thiên Nhiên Việt một thương hiệu “xanh” mang đến những dòng sản phẩm làm đẹp có nguồn gốc thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng. 


MC Mai Thu Huyền cùng bác sĩ Võ Thế Vũ và Á Hậu Băng Châu. 

Bệnh đẹn trăng chỉ xuất hiện khi trăng lên?
“Chính vì chứng bệnh này có chu kì 2 tuần giống chu kì của trăng mọc, màu sắc vết loét màu trắng nên dân gian mới liên tưởng và gọi đó đẹn trăng”, bác sĩ Võ Thế Vũ giải thích về tên gọi của bệnh. Bên cạnh đó, đẹn trăng còn có tên khoa học là Aphtes.

Theo bác sĩ Thế Vũ, bệnh đẹn trăng xuất hiện ở khoảng 20% dân số, chủ yếu ở lứa tuổi trẻ sơ sinh, thanh thiếu niên và bắt nguồn từ nhiều nguyên nhân khác nhau. Thông thường, đẹn trăng sẽ tái phát khoảng 3 – 4 lần/năm và kéo dài trong khoảng 1 – 2 tuần. Diễn tiến của đẹn trăng trong khoang miệng hoặc vòm họng sẽ chuyển dần từ mụn nước, vài ngày vỡ ra hình thành vết loét mủ vàng và chuyển sang màu trắng viền đỏ xung quanh gây đau rát.

Khi hệ miễn dịch bị suy giảm, biểu hiện dễ thấy nhất đó là xuất hiện đẹn trăng. Ngoài ra, khi chúng ta bị nóng bên trong cơ thể, stress, gặp các chấn thương va chạm từ bên ngoài hoặc do tự cắn má bên trong cũng gây ra vết loét. “Hầu như ai cũng bị đẹn trăng ít nhất một lần trong đời. Chỉ những bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch quá nhiều như bệnh ung thư thì mới nổi nhiều đẹn trăng trong miệng”, bác sĩ Vũ chia sẻ.

Cách đối phó với đẹn trăng
Khi bị đẹn trăng, bạn cần giữ tinh thần thoải mái, tránh những áp lực trong cuộc sống và cân nhắc về chế độ sinh hoạt, ăn uống. Tránh các loại thức ăn chua, cay, nóng, đồ ăn chế biến nhiều dầu mỡ vì chúng dễ kích thích đến vùng bị loét. Thực phẩm chứa nhiều axit như cam, chanh,… và các loại thịt như thịt gà, bò đều không tốt cho đẹn trăng. Bạn cần bổ sung vitamin C, nhóm B và khoáng chất như kẽm, sắt để đẹn trăng sớm lành.


Thoa mật ong lên vết loét nhiều lần trong ngày giúp vết loét nhanh lành. 

Khi bị đau rát quá mức, bạn có thể dùng viên đá lạnh xoa vào vết loét giúp giảm cơn đau và ngăn nhiễm trùng. Ngoài ra, thoa vitamin E, mật ong lên vết loét nhiều lần trong ngày, súc miệng với trà đen hoặc baking soda, ăn sữa chua cũng là một cách hay để đẩy lùi đẹn trăng.

Những thực phẩm giúp đánh bay mùi cơ thể
Mùi cơ thể là một trở ngại lớn gây ảnh hưởng đến mọi hoạt động cuộc sống. Đặc biệt, đây còn là nguyên nhân khiến bản thân mỗi người trở nên tự ti hơn trong vấn đề giao tiếp. Có nhiều cách để hạn chế mùi cơ thể, những thực phẩm chúng ta tiêu thụ cũng góp phẩn cải thiện tình trạng này.

Cung cấp ít nhất 1,5 – 2 lít nước lọc cho cơ thể mỗi ngày sẽ giúp hệ bài tiết hoạt động thường xuyên, loại bỏ mùi hôi cơ thể. Người có mùi hôi cơ thể nên ăn sữa chua bởi các hoạt tính có trong sữa chua sẽ làm giảm lượng hợp chất sunfuric gây mùi cơ thể. Sữa chua còn chứa nhiều lợi khuẩn tốt cho da dày, chữa các bệnh về đường ruột gây mùi hôi hơi thở.


Cá là một trong những loại thực phẩm giúp cải thiện mùi cơ thể. 

Ngoài vai trò tăng cường sức khỏe, trà thảo mộc còn chứa các chất oxy hóa mạnh và các axit hữu cơ nên một số loại thảo mộc như kim ngân hoa, cúc hoa,… có tác dụng chống vi khuẩn mạnh giúp cơ thể giải phóng nhiều độc tố, mùi hương cơ thể vì thế cũng dễ chịu hơn. Bên cạnh đó, những thực phẩm như táo, cam, cần tây, cá,… cũng rất tốt cho việc cải thiện mùi cơ thể.

Duy England
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com