Bác sĩ Minh Hiền chia sẻ những yếu tố giúp để mẹ bầu “vượt cạn” an toàn

Phương pháp sinh thường hay sinh mổ đều mang đến những ưu điểm và nhược điểm nhất định. Tuy nhiên, việc lựa chọn phương pháp nào an toàn nhất cho mẹ và bé còn phụ thuộc phần lớn vào tình trạng thực tế của sản phụ. Với chủ đề “Sinh thường hay sinh mổ” ở tập 89, bác sĩ Hoàng Lê Minh Hiền và diễn viên Đại Ngọc Trâm chia sẻ nhiều thông tin hữu ích. Chương trình “Đẹp Không Giới Hạn” tiếp tục đồng hành cùng nhà tài trợ Thiên Nhiên Việt một thương hiệu “xanh” mang đến những dòng sản phẩm làm đẹp có nguồn gốc thiên nhiên, an toàn cho sức khỏe người tiêu dùng.
Nên sinh thường hay sinh mổ?
Bác sĩ Hoàng Lê Minh Hiền (công tác tại Bệnh viện Hùng Vương) cho biết việc bác sĩ chỉ định sinh thường hay sinh mổ đều phải dựa vào yếu tố mẹ và bé để đảm bảo sản phụ “vượt cạn” an toàn. Với phương pháp sinh thường, yếu tố trên mẹ đảm bảo là khi không có gì cản trở đường ra của em bé trong ống sinh dục của mình như không có nhân xơ, không có nhau tiền đạo bám ở cổ tử cung và các bệnh lí tiền sản giật (cao huyết áp, rối loạn đông máu, cầm máu,…), bệnh lí về tim mạch và nội khoa chống chỉ định sinh thường.


Bác sĩ Minh Hiền và diễn viên Đại Ngọc Trâm. 

“Đối với em bé, những trường hợp không được sinh thường là em bé ngôi ngược, ngôi ngang hoặc em bé quá to”, bác sĩ Minh Hiền cho biết. Trên thực tế, dù mẹ đã chuẩn bị sẵn sàng cho việc sinh thường nhưng khi tử cung mở đủ 10 phân em bé vẫn không quay đầu hoặc mẹ không đủ sức để đưa con ra ngoài gây ngạt suy thai thì bác sĩ vẫn phải chỉ định mổ.

Với khung chậu của phụ nữ Việt Nam, cân nặng hợp lí nhất của em bé để sinh thường là từ 3,5kg trở xuống. Trẻ sinh thường sẽ có đường hô hấp tốt hơn trẻ sinh mổ vì khi trẻ đi quá ống sinh sản của mẹ có diện tích hẹp sẽ tạo áp lực ép những chất nhớt trong cơ thể giúp phổi em bé trưởng thành nhanh hơn. Hiện nay, phương pháp da kề da, bú mẹ ngay sau sinh sẽ giúp em bé ọc phần nhớt ra ngoài.


Trẻ sinh thường sẽ có hệ thống hô hấp tốt hơn trẻ sinh mổ. 

Chia sẻ trên sóng truyền hình, diễn viên Đại Ngọc Trâm nhắc lại quá trình sinh con của mình: “Trâm không biết sinh thường sẽ như thế nào nhưng bản thân mình thấy sinh mổ khá khỏe. Khoảng 4 – 5 tiếng sau khi mổ, Trâm đã có thể đi lại và cho con bú. Vết mổ của mình được khâu lại, dán keo và không phải rửa vết thương hàng ngày. Khi vết thương lành thì chỉ cũng tự tiêu mà không cần phải rút chỉ”.


Diễn viên Đại Ngọc Trâm từng trải qua 2 lần sinh mổ. 

Xã hội ngày càng phát triển mang đến sự hoàn thiện cho y khoa hơn trong vấn đề chăm sóc sức khỏe con người. Sinh sản cũng là một trong những điểm được chú trọng nâng cao nhằm hướng tới việc giúp phụ nữ giảm bớt áp lực tâm lí cũng như những ảnh hưởng sức khỏe trong suốt quá trình trước và sau sinh. Ở phương pháp sinh mổ, ngoài gây tê tủy sống, bác sĩ Minh Hiền cho biết ngày nay còn có loại thuốc nhét hậu môn giúp giảm đau cho sản phụ.

Những điều cần lưu ý trước và trong quá trình mang thai
Để bắt đầu quá trình mang thai, bố mẹ cần đến cơ sở y tế khám tiền sản để nắm rõ tình hình sức khỏe của bản thân. Người phụ nữ sẽ được tư vấn tiêm các loại vắc-xin ngừa bệnh có nguy cơ cao gây ảnh hưởng đến sự phát triển của trẻ trong bụng mẹ như sởi, quai bị, rubella, cúm, viêm gan,... Thai nhi mắc rubella sẽ bị câm điếc bẩm sinh nên khi mẹ mang thai bị nhiễm rubella thì bắt buộc phải chấm dứt thai kì.

Khi đã mang thai, người mẹ cần đi khám ở các cột mốc thai kì: 3 tháng đầu (chẩn đoán ngày dự sinh), từ 11 tuần 3 ngày – 13 tuần 6 ngày (đo độ mờ da gáy, xét nghiệm tiền dị tật 2), 20 tuần (siêu âm 4 chiều tìm dị tật hình dáng bên ngoài).

Duy England
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com