10 bộ phim hình sự xuất sắc của điện ảnh thế giới không nên bỏ qua

"The Handmaiden", "The Talented Mr. Ripley", "Collateral" hay "Oldboy", "Vô gian đạo"... đều được xếp vào danh sách những bộ phim thuộc loại hình hình sự, giật gân hay nhất.
Thriller (phim hình sự, hoặc giật gân) là một trong những thể loại (film genre) phổ biến nhất của điện ảnh thế giới. Thể loại phim này thường xoáy sâu vào các câu chuyện điều tra tội phạm bí ẩn và sử dụng các yếu tố hồi hộp, căng thẳng với nhịp độ hoặc tiết tấu nhanh hoặc tận dụng "plot twist" với cái kết đảo chiều gây bất ngờ hoặc kinh ngạc cho người xem.

Tùy theo chủ đề của câu chuyện hay phong cách của đạo diễn mà phim hình sự chia ra nhiều dòng khác nhau.

Ví dụ phim hình sự tội phạm (crime thriller), hình sự tâm lý (psychological thriller), hình sự khiêu dâm (erotic thriller), hình sự bí ẩn (mystery thriller), hình sự đen (neo-noir thriller) hoặc hình sự chính trị (political thriller…

Dòng phim hình sự của thế giới có rất nhiều tác phẩm kinh điển, chiến thắng nhiều giải thưởng hàn lâm quan trọng hoặc rất ăn khách. Nhưng tại Việt Nam, thể loại hình sự vẫn chưa thu hút được sự chú ý của công chúng.

10. The Handmaiden (2016)

Thể loại: Erotic psychological thriller

The Handmaiden (Cô hầu gái) là bộ phim hình sự pha trộn yếu tố khiêu dâm (erotic) và tâm lý (psychological) của đạo diễn nổi tiếng Hàn Quốc Park Chan Wook.

Bộ phim được lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết ăn khách Fingersmith của nhà văn xứ Welsh Sarah Waters và đổi bối cảnh, thời gian từ thời Victoria của nước Anh sang thời kỳ Hàn Quốc đang nằm dưới sự cai trị của đế quốc Nhật (1910-1945).


The Handmaiden được lấy cảm hứng từ cuốn tiểu thuyết Fingersmith của nhà văn Sarah Waters.

Chuyện phim xoay quanh một cô gái mồ côi (Kim Tae Ri) được gã bá tước Fujiwara (Ha Jung Woo) thuê để lấy lòng tin của một nữ thừa kế thuộc tầng lớp quý tộc giàu có (Kim Min Hee) nhưng cuối cùng lại phải lòng người phụ nữ ấy. Cả hai đã tìm cách lật tẩy bộ mặt dối trá của gã đàn ông.

The Handmaiden được đạo diễn Park Chan Wook chú trọng đến việc xây dựng cốt truyện ly kỳ, hấp dẫn với nhiều cảnh quay nóng bỏng, plot twist gây bất ngờ và đặc biệt thiết kế bối cảnh, trang phục cầu kỳ, hoa mỹ.

Bộ phim được chọn tranh giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes 2016, được giới phê bình đánh giá cao, nhưng không đoạt giải.

Phim khá thành công tại thị trường Hàn Quốc và toàn cầu với doanh thu khoảng 38 triệu USD. Tại giải thưởng Bafta của điện ảnh Anh năm 2017, The Handmaiden đoạt giải “Phim không nói tiếng Anh xuất sắc”.

9. The Talented Mr. Ripley (1999)

Thể loại: Psychological thriller

The Talented Mr. Ripley (Ngài Ripley tài ba) là bộ phim hình sự tâm lý tội phạm của biên kịch và đạo diễn người Anh Anthony Minghella, ra mắt năm 1999 và thu được nhiều thành công. Bộ phim được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết cùng tên ra mắt năm 1955 của nhà văn Patricia Highsmith, với diễn xuất của dàn sao trẻ tài năng thời điểm đó như Matt Damon, Jude Law, Gwyneth Paltrow, Cate Blanchett và Philip Seymour Hoffman.

Thực ra, cuốn tiểu thuyết gốc của nhà văn Highsmith từng được hai lần lên phim trong thập niên 1950-1960, một phiên bản truyền hình vào năm 1957 và một phiên bản điện ảnh có tên là Purple Noon (Trưa tím) với diễn xuất của ngôi sao Alain Delon và do đạo diễn Pháp René Clément dàn dựng.

Phiên bản năm 1999 được “cập nhật” với bối cảnh hiện đại, hợp thời hơn. Trong đó, Matt Damon thủ vai Mr. Ripley - chàng trai nghèo được một tay triệu phú thuê để đến Ý thuyết phục gã con trai mê ăn chơi Dickie Greenleaf (Jude Law đóng) của ông ta trở về Mỹ để tiếp nối sự nghiệp.

Nhưng sự xa hoa phù phiếm và lối sống vương giả của Dickie đã khiến Ripley đổi ý với một cái kết không thể lường trước.

The Talented Mr. Ripley được giới phê bình đánh giá cao, thành công về thương mại với doanh thu 128 triệu USD trong khi mức kinh phí chỉ có 40 triệu USD. Phim cũng giành được 5 đề cử Oscar, trong đó có Kịch bản chuyển thể xuất sắc và Nam phụ xuất sắc cho Jude Law.

8. Collateral (2004)

Thể loại: Neo-noir crime thriller

Collateral là bộ phim hình sự tội phạm “đen” (neo-noir crime thriller) của đạo diễn chuyên trị dòng phim tội phạm Michael Mann. Phim có sư tham gia diễn xuất của hai ngôi sao Tom Cruise và Jamie Foxx.

Foxx thủ vai Max - tài xế taxi đã hành nghề 12 năm ở Los Angeles. Trong một buổi tối, vị hành khách bí ẩn Vincent (Tom Cruise) bước lên xe và làm thay đổi cuộc đời của anh ta mãi mãi.

Vincent là tay sát thủ chuyên nghiệp và ra tay vô cùng tàn độc. Trong buổi tối hôm ấy, Max phải lái xe theo lệnh của Vincent để hắn ta thủ tiêu 5 mạng người trong đêm. Không những thế, tài xế taxi Max còn bị cảnh sát truy đuổi vì họ cho rằng anh ta là đồng phạm với tên sát thủ nguy hiểm.


Collateral là bộ phim hình sự tội phạm “đen” đánh đấu sự đột phá trong diễn xuất của Tom Cruise.

Tom Cruise có vai diễn đột phá trong sự nghiệp và là một trong những vai diễn hiếm hoi mà anh thủ vai phản diện - kẻ giết người hàng loạt với tạo hình lạ lẫm. Phim cũng thành công về thương mại, doanh thu 220 triệu USD so với mức kinh phí 65 triệu USD và giành 2 đề cử cho Dựng phim và Nam diễn viên phụ (Jamie Foxx) xuất sắc.

Năm đó, Jamie Foxx giành được đề cử Oscar kép và chiến thắng với giải Nam diễn viên chính xuất sắc cho vai diễn trong bộ phim tiểu sử âm nhạc Ray.

7. The Usual Suspect (1995)

Thể loại: Neo-noir mystery crime thriller

Thập niên 1990, Hollywood đã cho ra đời nhiều bộ phim hình sự tội phạm kinh điển mà một trong số đó là The Usual Suspect của đạo diễn Bryan Singer với dàn diễn viên thực lực Kevin Spacey, Stephen Baldwin, Gabriel Byrne, Benicio del Toro…

Kevin Spacey đoạt giải Oscar đầu tiên trong sự nghiệp với vai Verbal Kint - một trong hai nạn nhân may mắn thoát chết trong vụ thảm sát ở bến tàu tại Los Angeles. Những lời khai dông dài, rối rắm của Kint khiến đám cảnh sát thẩm tra bối rối không biết ai mới là kẻ chủ mưu Keyser Söze.

Rất nhiều cái bẫy được giăng ra và cái kết khiến khán giả choáng váng. Đây cũng là một trong những phim hình sự có "plot twist" thông minh nhất và ảnh hưởng đến nhiều thể loại phim hình sự sau này.

Bộ phim được trình chiếu không dự thi tại LHP Cannes năm 1995 và nhận được phản hồi vô cùng tích cực từ giới phê bình và khán giả.

Phim đoạt 2 giải Oscar cho Kịch bản gốc xuất sắc (Christopher McQuarrie – sau này cũng trở thành đạo diễn nổi tiếng) và Nam phụ cho Kevin Spacey.

Trên trang imdb, The Usual Suspect đạt số điểm 8.5 và đứng thứ 32 trong số 250 phim hay nhất do khán giả bình chọn.

6. La Cérémonie (1995)

Thể loại: Psychological thriller

Điện ảnh Pháp cũng “góp mặt” vào dòng phim thriller với nhiều tác phẩm xuất sắc, và một trong số đó là La Cérémonie (Bữa tiệc máu) của đạo diễn nổi tiếng Claude Chabrol.

Đây cũng là bộ phim ảnh hưởng khá nhiều đến Parasite, tác phẩm giành chiến thắng vang dội năm ngoái của đạo diễn Hàn Quốc Bong Joon Ho, đặc biệt là phân đoạn “bữa tiệc máu” gần cuối phim.

Sophie (Sandrine Bonnaire đóng) - cô hầu hiền lành, nhút nhát và thậm chí mù chữ - được một người phụ nữ quý tộc Catherine (Jacqueline Bisset) thuê về để giúp việc cho điền trang của bà ta ở khu vực ngoại ô.

Tại đây, Sophie làm quen với Jeanne (Isabelle Huppert) - nữ nhân viên làm việc cho một bưu điện địa phương có hành tung bí ẩn và ra sức thao túng Sophie chống lại gia đình chủ nhân của cô vì những mối thâm thù về giai cấp mà họ phải chịu đựng trong quá khứ.

Điều này dẫn đến cái kết: một bữa tiệc máu kinh hoàng diễn ra ở cuối phim.

La Cérémonie ra mắt năm 1995, được chuyển thể từ cuốn tiểu thuyết A Judgement in Stone của Ruth Rendell và phần nào đó được lấy cảm hứng từ sự kiện có thật – hai cô hầu gái Pháp giết chết gia đình chủ nhân và con gái của họ rất tàn bạo vào năm 1933 – sự kiện sau đó cũng được dựng thành vở kịch The Maids vào năm 1947.

Ba nữ diễn viên nổi tiếng người Pháp Sandrine Bonnaire, Jacqueline Bisset và Isabelle Huppert đã có màn trình diễn xuất sắc trong phim. Phim giành được 7 đề cử giải Cesar và chiến thắng hạng mục Nữ diễn viên chính xuất sắc cho Isabelle Huppert.

5. Wait Until Dark (1967)

Thể loại: Psychological horror thriller

Wait Until Dark (Chờ đêm xuống) là bộ phim hình sự tâm lý căng thẳng của đạo diễn Terence Young - đạo diễn người Anh chuyên trị những phim trinh thám thành công, đặc biệt là 3 bộ phim đầu tiên về James Bond do Sean Connery đóng.

Wait Until Dark tiếp nối thành công cho Terence Young ngay sau đó với diễn xuất chính của huyền thoại Audrey Hepburn trong vai cô gái mù phải một mình chống lại ba tên tội phạm ma túy nguy hiểm. Bộ phim này cũng là cảm hứng cho Blind (Nhân chứng mù) - bộ phim Hàn Quốc ra mắt năm 2011 mà gần đây điện ảnh Việt Nam làm lại với nhan đề Bằng chứng vô hình.


Bộ phim Wait Until Dark (1967) với diễn xuất của Audrey Hepburn trở thành cảm hứng cho phim 
Blind do Hàn Quốc sản xuất.

Sức hấp dẫn của bộ phim này nằm ở cuộc đối đầu bất cân xứng giữa một cô gái khiếm thị và ba tên tội phạm nguy hiểm nhưng hoàn toàn thuyết phục nhờ những tình huống mà biên kịch và đạo diễn xây dựng.

Phim mang lại cho Audrey Hepburn thêm một đề cử Oscar nữ chính vào năm 1968 (đề cử cuối cùng trong 5 đề cử và một lần đoạt giải của bà). Phim cũng được AFI (Viện phim Mỹ) bình chọn đứng thứ 55 trong 100 phim hình sự hay nhất mọi thời đại.

4. Fatal Attraction (1987)

Thể loại: Erotic psychological thriller

Dan Gallagher (Michael Douglas) là luật sư thành đạt và có gia đình hạnh phúc ở Manhattan (New York). Trong dịp cuối tuần khi vợ đưa con gái về thăm gia đình ngoại, Dan vô tình gặp gỡ Alex Forrest (Glenn Close) - biên tập viên của một công ty có vẻ ngoài bốc lửa.

Họ lao vào nhau để thỏa mãn thú vui xác thịt, nhưng Dan không ngờ rằng anh ta đã gặp phải người phụ nữ nguy hiểm mắc hội chứng tâm lý BPD – rối loạn nhân cách ranh giới. Dan Gallagher đã phải trả một cái giá đắt cho cuộc tình này.

Fatal Attraction (Sự nguy hiểm chết người) là bộ phim hình sự tâm thần của đạo diễn Adrian Lyne - đạo diễn chuyên trị dòng phim erotic (khiêu dâm) với những cảnh quay nóng bỏng.

Sự kết hợp giữa hai thể loại này khiến bộ phim có sức hấp dẫn đặc biệt và trở thành phim có doanh thu cao thứ hai vào năm 1987 (320 triệu USD so với mức kinh phí chỉ 14 triệu USD).

Phim cũng trở thành hiện tượng toàn cầu, gây tranh cãi dữ dội trên truyền thông và giành tới 6 đề cử Oscar vào năm 1988 với các hạng mục như Phim, Đạo diễn, Nữ chính (Glenn Close), Nữ phụ, Kịch bản chuyển thể và Dựng phim xuất sắc.

3. Oldboy (2003)

Thể loại: Neo-noir mystery thriller

Điện ảnh Hàn đã chinh phục khán giả nội địa cũng như toàn cầu trong suốt hai thập niên qua. Parasite của Bong Joon Ho đã giúp điện ảnh Hàn vươn lên đỉnh cao với những giải thưởng lịch sử tại Cannes và Oscar vào năm 2019. Nhưng từ năm 2003, Hàn Quốc đã gây ấn tượng mạnh mẽ với hai bộ phim hình sự thuộc vào loại xuất sắc là Oldboy của Park Chan Wook và Memories of Murder của Bong Joon Ho.


Oldboy là một trong những bộ phim xuất sắc của điện ảnh Hàn Quốc.

Oldboy được chuyển thể từ truyện tranh của Nhật Bản và là bộ phim thứ 2 trong bộ ba (trilogy) về chủ đề báo thù của đạo diễn Park Chan Wook.

Oh Dae Su (Choi Min Sik) là gã đàn ông hay say xỉn bị giam cầm trong một căn phòng chật hẹp suốt 15 năm mà không hề biết được nguyên nhân, động cơ hay danh tính của kẻ bắt giữ mình. Sau đó, dù được thả ra, anh vẫn thấy mình bị mắc kẹt trong một âm mưu bí ẩn.

Khi Dae Su tìm mọi cách để truy ra tung tích kẻ giam cầm mình để báo thù, anh một lần nữa bị đẩy vào một vòng xoáy của bạo lực và những bí mật kinh hoàng.

Oldboy từng tranh giải Cành cọ vàng và đoạt giải Grand Prix tại Cannes vào năm 2004, đồng thời được đánh giá cao bởi chánh chủ khảo năm đó là Quentin Tarantino. Nhờ đó, bộ phim gây tiếng vang toàn cầu và được giới phê bình ở Mỹ đón nhận nồng nhiệt.

Cây bút phê bình Roger Ebert đánh giá bộ phim gây ấn tượng mạnh mẽ không đơn giản vì nội dung được kể mà còn vì những bí ẩn sâu thẳm của nội tâm con người bị phơi bày.

Oldboy cũng được đánh giá cao về dàn dựng, quay phim đặc biệt là cú máy dài mô tả phân đoạn hành động giữa Dae Su và một băng nhóm gangster ở một bối cảnh chật hẹp. Đây cũng được xem là một trong những bộ phim hay nhất của thế kỷ 21.

2. Memories of Murder

Thể loại: Crime thriller

Bộ phim dựa theo những câu chuyện có thật về một vụ giết người hàng loạt xảy ra từ năm 1986-1991 tại một tỉnh lị ở Hàn Quốc trong thời kỳ chính trị căng thẳng và nhiều biến động tại nước này.

Hai tay thám tử địa phương nỗ lực phá án dựa vào kinh nghiệm, ép cung và thậm chí bạo lực dẫn đến những sai lầm liên tục khi truy tìm hung thủ. Họ được hỗ trợ bởi một cảnh sát được học hành bài bản đến từ Seoul nhưng vẫn bất lực trước tên giết người tinh quái vẫn nhởn nhơ trong bóng tối và tiếp tục gây ra nhiều vụ án mạng rùng rợn.

Nếu Oldboy gây ấn tượng về tính bạo lực và cú plot twist ở cuối phim, Memories of Murder của Bong Joon Ho lại thuyết phục giới phê bình và khán giả nhờ cách kể chuyện đậm chất giễu nhại, hài hước (đen) pha lẫn sự li kỳ và những ẩn dụ xuất sắc.

Đây mới là bộ phim thứ 2 của Bong Joon-ho, nhưng bộ phim cho thấy phẩm chất đạo diễn và cách kể chuyện với những thủ pháp dàn dựng không thể trộn lẫn của anh.

Phim cũng được đánh giá cao nhờ cách quay, nhạc nền và đặc biệt là màn diễn xuất của Song Kang Ho - người cộng tác với Bong Joon Ho trong nhiều bộ phim thành công sau đó, nổi bật là The Host và Parasite.

Memories of Murder được đánh giá là một trong những bộ phim hay nhất mọi thời đại của điện ảnh Hàn Quốc. Với nhiều nhà phê bình, tác phẩm này còn được đánh giá cao hơn Parasite.

1. Vô gian đạo (2002)

Thể loại: Crime thriller

Điện ảnh Hong Kong từng có rất nhiều bộ phim hình sự tội phạm xuất sắc trong quá khứ, thậm chí đây còn được xem là dòng phim làm nên bản sắc và khẳng định cho nhiều tên tuổi đạo diễn.

Một trong những bộ phim hình sự tội phạm thành công nhất của Hong Kong đầu thế kỷ 21 là Vô gian đạo (Infernal Affairs) của hai đạo diễn Lưu Vĩ Cường và Mạch Triệu Huy.

Chuyện phim kể về cuộc đấu trí nghẹt thở giữa một cảnh sát (Lương Triều Vỹ đóng) hoạt động nằm vùng trong băng nhóm xã hội đen và tên tội phạm (Lưu Đức Hoa đóng) được cài vào lực lượng cảnh sát Hong Kong.


Lương Triều Vỹ và Lưu Đức Hoa đảm nhận vai chính trong tác phẩm kinh điển Vô gian đạo.

Hoạt động dưới hai thân phận bí ẩn và đối nghịch nhau, cuộc đối đầu giữa viên cảnh sát và tên tội phạm diễn ra một mất một còn.

Ý tưởng độc đáo, cách dàn dựng hấp dẫn và diễn xuất tuyệt vời của hai ngôi sao hàng đầu giúp bộ phim thành công vang dội cả về thương mại lẫn nghệ thuật và được tiếp nối với hai phần tiếp theo nữa, tạo thành một “trilogy” về thể loại hình sự xuất sắc của điện ảnh Hong Kong trong thế kỷ 21.

Phim chiến thắng nhiều giải thưởng lớn tại Hong Kong, Đài Loan, vượt qua cả bộ phim Anh hùng của Trương Nghệ Mưu và lọt vào hàng loạt danh sách phim xuất sắc của thập kỷ, của điện ảnh Hoa ngữ mọi thời đại.

Năm 2006, đạo diễn huyền thoại Martin Scorsese còn làm lại bộ phim này với nhan đề The Departed với diễn xuất của Leonardo DiCaprio, Matt Damon, Mark Wahlberg và Jack Nicholson. Phiên bản này giúp Scorsese giành 2 chiến thắng Oscar quan trọng là Phim và Đạo diễn xuất sắc.

Theo zing.vn

Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com