Bollywood và nỗi ám ảnh về làn da trắng

Trong nhiều bộ phim Ấn Độ, các nhân vật da sẫm màu lại do diễn viên da sáng hóa trang thể hiện. Điều này gây ra tranh cãi trong lòng Bollywood suốt nhiều năm qua.
Bala là tựa đề bộ phim hài Ấn Độ ra mắt hồi tháng 11/2019. Bề ngoài, phim là hành trình dí dỏm của một anh chàng “nghiệp quật” bị hói khi còn quá trẻ. Tác phẩm nhận được nhiều sự quan tâm từ khán giả và đạt doanh thu ấn tượng.

Song, có một chi tiết gợn trong phim. Cô học sinh da sẫm màu trong phim - Latika Trivedi - lại do một nữ diễn viên da sáng là Bhumi Pednekar đảm trách, dĩ nhiên là kèm theo kha khá kem phấn trang điểm.



Trong Bala, Latika thường xuyên bị chế nhạo vì làn da của mình. Cô bị ám ảnh bởi các sản phẩm làm trắng da. Điều oái oăm nằm ở chỗ nữ diễn viên đóng vai cô thì trắng thật sự.

Khi nói về cách mà Bollywood đang khắc họa những "khuôn mặt nâu" (brownface) trên màn ảnh, đạo diễn nổi tiếng Neeraj Ghaywan phát biểu: “Đấy thật sự là phân biệt chủng tộc.”

Kỳ thị giữa lòng Bollywood

Hãy thử nhìn gương mặt của nam diễn viên Hrithik Roshan và người mà anh ấy hóa thân thành trong phim tiểu sử Super 30, sau đó là Hrithik trong phim.

Để vào vai Anand Kumar, Roshan phải bôi trát rất nhiều lượt hóa trang nhằm che đi làn da sáng của mình. Khán giả không chỉ phải o ép trí tưởng tượng hữu hạn để tin rằng người trước mặt là một sinh viên nghèo, mà còn phải tin rằng nhà toán học Kumar ngoài đời lúc nào cũng lấm lem như vừa đi cày ruộng về.


Hình ảnh Hrithik Roshan ngoài đời và trong Super 30.

Hình ảnh của Roshan trong Super 30 cùng nhiều nhân vật trên màn ảnh Ấn Độ không chỉ cho thấy sự rập khuôn trong tư duy của người làm phim tại quốc gia Nam Á, mà còn đặt ra cả câu hỏi về vấn đề phân biệt chủng tộc rõ ràng tại Bollywood.

Những nhân vật “mặt nâu” (brownface) là cách mà Bollywood muốn truyền tải tới khán giả hai điều. Một, là họ nghèo. Hai, bạn biết họ nghèo vì họ da nâu. Nói cách khác, làn da ngăm là thứ chịu trách nhiệm cho điều kiện kinh tế của người Ấn Độ. Logic là một người nghèo thì không thể đủ tiền mua kem trộn đắp cho da trắng lên.

Tại Bollywood, phần lớn diễn viên nổi tiếng đều là người có da sáng. Đa số ấn phẩm quảng cáo được “photoshop” để diễn viên trông trắng hơn thực tế. Có hai thực trạng tồn tại: các vai chính diện gần như không bao giờ đến lượt người da ngăm, và những vai khốn khó thường được đánh đồng với người có da sẫm màu.

Ngược dòng lịch sử kể từ thế kỷ XIX, Hollywood từng chứng kiến những hành vi tương tự khi chọn diễn viên da trắng vào vai người da đen (blackface), người da nâu (brownface), không chỉ bằng hóa trang mà còn ở cả cách diễn viên bắt chước điệu bộ, chất giọng, trang phục của văn hóa vùng miền.


Bhumi Pednekar trong phim và trên ấn phẩm quảng cáo.

Thời Elizabeth, đạo diễn trong các vở kịch của Shakespeare thường lựa chọn các diễn viên da trắng vào vai nhân vật thuộc nhóm thiểu số, do lúc đó nhân sự da màu chưa có đủ để biểu diễn hoặc người da màu bị cấm tham gia diễn xuất. Như vai viên tướng người Phi trong vở Othello đến tận những thập kỷ gần đây vẫn do người da trắng đảm nhiệm.

Dù ở đâu, hành động này cũng mang tính phân biệt đối với những nhóm người nhất định dựa trên màu da, và gây ảnh hưởng lâu dài tới cách công chúng nhìn nhận về họ.

Khi trả lời về việc tại sao không thể kiếm nổi một diễn viên da sẫm màu trong thị trường 1,3 tỷ dân, các đạo diễn Ấn Độ thường viện cớ về sự xuất sắc trong lựa chọn của họ. Amar Kaushik, nhà làm phim của Bala, nói rằng ông đã nghĩ đến việc đi tìm diễn viên da ngăm đen thực sự, nhưng “cảm thấy Bhumi Pednekar quá tuyệt vời cho vai diễn”.

“Con cháu của những tiểu thần”

Ở Ấn Độ, nỗi ám ảnh về làn da trắng sáng đã đẩy hàng triệu phụ nữ tìm đến các sản phẩm làm trắng da trong niềm hy vọng sẽ kiếm được công việc tốt hơn, vươn lên trên nấc thang xã hội, hoặc đơn giản là không bị trêu chọc và kỳ thị.

Tư tưởng rốt cuộc đã ăn sâu vào tư duy của nhiều thế hệ người dân. Chạy theo xu hướng đó, các sản phẩm tắm trắng được người Ấn săn đón như một liệu pháp cứu tinh cho cuộc đời và sự nghiệp.


Thần Lakshmi trong Hindu giáo.

Lý do của tình trạng phân biệt đối xử với người da tối màu có thể được viện dẫn từ lịch sử. Kinh điển của Hindu giáo có đoạn mô tả mang tính phán xét, rằng những người ở tầng lớp dưới làm việc cực khổ dưới ánh mặt trời trở nên đen nhẻm, xấu xí.

Trong khi đó, người cao quý sẽ có lớp da trắng sáng. Những vị thần Lakshmi, Ganesh, và Karthikeya đều được mô tả với làn da trắng, mắt bồ câu, chiến đấu lại những con quỷ đen đúa.

Hai vị thần nổi tiếng nhất trong Ấn Độ giáo là Krishna (cái tên dịch ra có nghĩa là “đen”) và Rama thì luôn được vẽ lại bằng làn da xanh, không bao giờ là da nâu hoặc da đen. Trong khi đó, Kinh Thánh thì nói rằng Chúa là một người đàn ông da trắng, dù các nghiên cứu khoa học gần đây lại không nghĩ như vậy.

Thêm vào đó, Ấn Độ bị thực dân Anh đô hộ từ thế kỷ XIX tới tận giữa thế kỷ XX. Quan chức Anh quốc trong thời gian cai trị quốc gia Nam Á đã cố tình o ép, bôi nhọ hình ảnh người da ngăm, trong khi ưu ái những công việc tốt cho người da trắng sáng hơn.


Ngôi sao Bollywood Shah Rukh Khan từng từ chối quảng cáo cho sản phẩm kem làm trắng trong nỗ lực thay đổi nhận thức cộng đồng về màu da.

Hiện nay, một lượng lớn phim nói tiếng Hindu vẫn sử dụng định kiến cộng đồng như một phương tiện kinh doanh. Khán giả thích được xem những diễn viên da trắng vào vai người da nâu, bởi họ tin rằng có một “sự quyến rũ đằng sau lớp mặt nạ”.

Những nền tảng mạng xã hội cũng góp phần truyền bá nhận thức sai lệch cho công chúng, ra sức quảng cáo các sản phẩm làm trắng, trị liệu làm sáng da... Người làm ra những sản phẩm tẩy trắng, từ công ty mỹ phẩm cho tới nhà làm phim Bollywood, lại không nghĩ đây thực sự là vấn đề. Nhưng hóa ra, đây mới chính là vấn đề đáng lo ngại nhất.

Theo zing.vn

Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com