Nỗi lo phim Việt

Việc hệ thống rạp phim vẫn đóng cửa sau đợt bùng dịch thứ tư khiến các nhà sản xuất điện ảnh đứng trước nhiều nỗi lo về kinh tế.

Việt Nam đang hướng đến phục hồi kinh tế hậu đợt bùng phát dịch lần thứ 4. Rạp phim được xếp vào hạng mục “không thiết yếu” và chưa biết khi nào được hoạt động trở lại. Và dĩ nhiên, lượng phim Việt chờ ra rạp vẫn trong tình trạng đắp chiếu, dẫn đến việc các nhà sản xuất cũng lao đao với nhiều loại chi phí phát sinh.

Nỗi lo “hòa vốn”

Cũng như mọi ngành nghề khác, điện ảnh Việt cũng tìm đường trở lại guồng quay. Tuy nhiên, rạp phim vẫn chưa thể hoạt động lại do rủi ro môi trường kín dễ lây lan dịch bệnh.

Nhiều bộ phim Việt đang chờ ra rạp bắt đầu sinh lỗ khi phải trong kho quá lâu. Từ chi phí trả cho nhân sự sản xuất, bảo trì, hậu kỳ, phát hành… các nhà sản xuất đang lao đao không biết làm sao để có thể hòa vốn.


Tác phẩm Thiên thần hộ mệnh của đạo diễn Victor Vũ đã kịp hòa vốn trước khi các rạp phim đóng cửa. Ảnh: Bá Ngọc.

Để được xem là “hòa vốn”, nhà sản xuất phải thu ít nhất gấp 2,5 lần kinh phí sản xuất. Ví dụ, số tiền bỏ ra để sản xuất bộ phim là 10 tỷ đồng, cộng thêm các chi phí về phát hành, quảng bá và nhiều khoản chi khác thì tổng sẽ dao động ở mức 15 tỷ đồng.

Khi ra rạp, phim phải thu trung bình 35 đến 40 tỷ đồng (tuỳ vào mức độ ăn chia giữa rạp và phát hành theo từng tuần), nhà sản xuất mới có thể bắt đầu thở phào nhẹ nhõm.

Đối với các bộ phim mang nội dung chạy theo những sự kiện thời đại được làm để ra mắt đúng vào thời điểm nào đó sẽ có nguy cơ “chết lâm sàng”. Những tác phẩm này khi ra mắt trong thời điểm quá xa so với dự kiến ban đầu, khán giả không còn mặn mà với nội dung đó nữa, nên dĩ nhiên không ai bỏ tiền ra để xem.

Đặc biệt, ngày càng nhiều nền tảng OTT (over the top) như Netflix đang liên tục sản xuất “nội dung gốc” (Original Content) với chất lượng ngày càng cao và hợp thời, thì khả năng nhiều bộ phim đang chờ ra rạp có nội dung tương tự sẽ mất hẳn khả năng cạnh tranh ngoài rạp.

Truyền thông “đội tiền”

Ngoài các chi phí trên, hoạt động quảng bá đã khiến nhà sản xuất tiêu tốn không ít và trở thành muối bỏ bể sau 5 tháng dịch bệnh. Theo góc nhìn của các chuyên gia trong nghề, độ dài trung bình của một chiến dịch truyền thông cho phim điện ảnh là 6 tháng thì mới vừa đủ để khán giả thẩm thấu và đạt được độ quan tâm nhất định dành cho tác phẩm.


Bộ phim Bẫy ngọt ngào của Bảo Anh và Quốc Trường phải lùi ngày ra mắt vô thời hạn vì các rạp phim vẫn chưa được mở cửa lại sau đợt bùng dịch thứ 4.

Số tiền dùng cho một chiến dịch truyền thông phim điện ảnh tại Việt Nam dao động khoảng 10% kinh phí sản xuất, thuộc dạng thấp nếu so với thế giới. Tại Hollywood, chi phí này sẽ từ 35-70%.

Khi tạo dựng các thông tin gửi đến khán giả, về lâu dài, họ sẽ có ghi nhớ nhất định về dự án đó. Tuy nhiên, sau 5 tháng dịch với quá nhiều thông tin khác ập đến, ê-kíp của những sản phẩm đó sẽ phải bỏ ra nhiều hơn số tiền đã được duyệt trước đó cho cả chiến dịch truyền thông để hâm nóng thông tin cho khán giả.

Tùy theo nhà sản xuất và quy mô sản phẩm, chi phí có thể thấp hoặc cao nhưng việc chi thêm tiền cho khoản này là điều không thể tránh khỏi.

Đơn cử như Lật mặt: 48h của đạo diễn Lý Hải, dự kiến công chiếu vào dịp 30/4/2020 và phải trải qua 3 lần dời lịch mới có thể ra rạp, nhưng chậm hơn kế hoạch ban đầu tới một năm. Số tiền dành cho các hoạt động quảng bá phim tăng lên hơn 10 tỷ đồng. May mắn là phim đã thành công thu về hơn 152 tỷ đồng sau hai tuần công chiếu.

Nguy cơ “đổ sập” của cả nền điện ảnh

Một số nhà sản xuất lớn có nhiều dự án trong năm phải đối mặt với tình trạng dòng tiền ngưng trệ, chờ giải ngân vì phim không ra rạp được. Dẫn tới nhiều dự án khác đang thực hiện gặp khó khăn và còn phải dừng lại do việc sản xuất cũng không thể diễn ra vì quy định không tập trung đông người trong mùa dịch.

Đó là những dự án đã được lên kế hoạch, tiền đã chi ra, việc bất ngờ hoãn lại, dẫn đến đóng băng tiến trình, còn nhà sản xuất bị đông cứng, nhân sự đoàn phim rơi vào tình trạng tiến thoái trong việc “đòi lương” và có thể mất đi nhiều mối quan hệ hợp tác. Cho đến khi được hoạt động trở lại, nhà sản xuất phải rời cuộc chơi vì rỗng túi. Từ đó, khủng hoảng tài chính trở thành một vấn đề nan giải cùng nguy cơ phá sản.



Lật mặt: 48h của Lý Hải may mắn thu về 152 tỷ đồng dù phải lùi lịch chiếu một năm.

Không chỉ vậy, các dự án tiềm năng từ những người làm phim trẻ vừa tìm được hy vọng từ trước dịch cũng nhanh chóng bị dập tắt ngay từ khi còn trên giấy vì nhà đầu tư hết tiền.

Để rồi, trong 2 đến 3 năm tới, nền điện ảnh Việt vẫn loay hoay trong phục hồi với các nội dung già nua cũ kỹ, chất lượng thấp, một gương mặt trong quá nhiều bộ phim như những năm đầu thập kỷ trước. Người xem chán chường và rạp chiếu thì ế khách, thị trường đìu hiu.

Có thể thấy, trong gần 10 năm trở lại đây, phim Việt liên tục có những cú hit lớn tại phòng vé, phim sau phá kỷ lục phim trước, chất lượng nội dung cũng thăng hạng cả về thương mại lẫn nghệ thuật, song hành cùng gu thưởng thức phim ngày càng phong phú của khán giả.

Tuy vậy, bên cạnh các lý do khách quan do dịch bệnh, các nhà sản xuất phim vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn hơn từ dự luật điện ảnh đang chỉnh sửa theo chiều hướng khắt khe. Những quy định mới có thể hạn chế sự sáng tạo. Điều này khiến cho khán giả Việt có thể dần từ bỏ điện ảnh nước nhà, còn văn hoá nước ngoài du nhập ngày càng đa dạng, xâm chiếm đất sống của phim Việt.

Tạm kết, nếu chúng ta không đánh giá lại tầm quan trọng của điện ảnh, hướng đến sự phục hồi và phát triển với đường lối hợp lý hơn, thì hoàn toàn có thể dẫn đến cái kết sụp đổ của một một nền điện ảnh thương mại vừa mới khởi sắc, đồng thời có thể xảy ra tình trạng “chảy máu chất xám” ra nước ngoài.


Phim Bố già cũng từng hủy lịch ra rạp một lần do dịch bệnh bùng phát vào dịp Tết nguyên đán 2021.

Theo zing.vn
Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com