Phim Hàn được đầu tư triệu USD bị chê về kỹ xảo

“The King: Eternal Monarch”, “Arthdal Chronicles”… được chi nhiều tiền để quay dựng, nhưng không may mắc lỗi kỹ xảo, khiến chất lượng phim không tương xứng với kinh phí.


The King: Eternal Monarch (Quân vương bất diệt): Chỉ mới phát sóng 6 tập nhưng bộ phim liên tục bị soi lỗi, từ “sạn” vô lý, chi tiết vay mượn văn hóa Nhật Bản đến vấn đề về kỹ xảo. Cụ thể, trong tập 5, cảnh hoàng đế Lee Gon (Lee Min Ho) cùng nữ thám tử Jung Tae Eul (Kim Go Eun) cưỡi ngựa qua cánh cổng nối liền hai thế giới song song hứng chịu nhiều ý kiến chê bai. Hiệu ứng đồ họa ở phân đoạn này không mang lại cảm giác mãn nhãn mà lại gượng gạo, giả tạo. Kích cỡ giữa người - ngựa không cân xứng, bối cảnh được bao phủ bởi tông màu hường phấn, lại thêm một quả bóng bay lơ lửng trên không, gợi liên tưởng đến phim hoạt hình hơn là một tác phẩm truyền hình.



Một số khán giả bày tỏ sự thất vọng lẫn băn khăn bởi Quân vương bất diệt được đầu tư số tiền lên tới 32 tỷ won (khoảng 26 triệu USD). Với kinh phí “khủng” như vậy, nhà sản xuất hoàn toàn có thể chăm chút để phần kỹ xảo trở nên hoành tráng thay vì sống sượng và trẻ con như trên. Cách xử lý đồ họa quá cẩu thả ở khâu hậu kỳ đã vô tình khiến Quân vương bất diệt bị so sánh với một vài bộ phim Trung - Hàn kinh phí thấp có kỹ xảo “ba xu”.



Arthdal Chronicles (Biên niên sử Arthdal): Đây là bộ phim sử thi đầu tiên của Hàn Quốc, quy tụ dàn sao đình đám gồm Song Joong Ki, Jang Dong Gun, Kim Ji Won... Dự án đầy tham vọng này được đầu tư kinh phí “khủng” khoảng 54 tỷ won (44 triệu USD). Trong quá trình quảng bá, đội ngũ sản xuất chia sẻ họ đã cố gắng hết sức để xây dựng bối cảnh và sử dụng kỹ xảo để miêu tả sự hùng vĩ của thành phố giả tưởng Arthdal - nơi đóng vai trò quan trọng trong phim.



Song, càng đầu tư nhiều tiền, Biên niên sử Arthdal càng bị soi kỹ hơn, nhất là về khoản kỹ xảo. Cùng chung số phận với Quân vương bất diệt, ngay ở những tập đầu, tác phẩm đã mất điểm vì hiệu ứng đồ họa vụng về. Chẳng hạn như trong đoạn các chiến binh Arthdal hành quân, phần thung lũng bao quanh bị mỉa mai là “chẳng khác gì cơm chiên trứng”. Một số cảnh quay lồng ghép nhân vật vào khung cảnh thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ cũng bị nhận xét là quá giả. Biên niên sử Arthdal còn bị chỉ trích vì sử dụng đạo cụ không hợp thời đại. May mắn là ở những tập sau, kỹ xảo của tác phẩm đã được chăm chút cẩn thận hơn.



A Korean Odyssey (Hoa du ký): Vì được mệnh danh là “Tây du ký bản Hàn”, cho nên kinh phí sản xuất của Hoa du ký cũng lên tới hàng tỷ won. Tác phẩm sở hữu cốt truyện độc đáo, dàn diễn viên thực lực, song điều đó không đủ để che lấp những thiếu sót ở khâu xử lý hình ảnh. Phần kỹ xảo của Hoa du ký trong những tập đầu từng khiến khán giả ngán ngẩm vì sơ sài và lộ liễu.



Trong cảnh quay cần diễn viên bay nhảy trên không, người xem có thể thấy rõ những đoạn dây cáp được gắn vào cơ thể họ. Phim còn để lộ nhiều dụng cụ hỗ trợ cho khâu thêm thắt kỹ xảo như dây cước, phông nền xanh… ngay trên sóng truyền hình. Trước loạt phản hồi tiêu cực, đài tvN - đơn vị phát sóng Hoa du ký - đã phải lên tiếng xin lỗi và giải thích rằng sự cố này xuất phát từ sự chậm trễ trong khâu hậu kỳ của ê-kíp sản xuất. Sang những tập sau, tác phẩm nhanh chóng lấy lại cảm tình của khán giả bằng hiệu ứng đồ họa chỉn chu hơn.



A Man Called God (Sát thủ hào hoa): Để hoàn thành bộ phim hành động này, nhà sản xuất đã phải bỏ ra khoảng 10 tỷ won (8,2 triệu USD). Đây là con số lớn đối với một tác phẩm truyền hình được quay dựng vào thời điểm 10 năm trước như Sát thủ hào hoa. Tuy nhiên, kỹ xảo của loạt phim bị đánh giá là không tương xứng với kinh phí đầu tư.



Đội ngũ sản xuất Sát thủ hào hoa mắc lỗi lạm dụng hiệu ứng đồ họa, thêm thắt kỹ xảo bừa bãi, làm mất đi tính chân thực của cảnh quay. Ở các phân đoạn thực sự cần đến hiệu ứng hình ảnh như cháy nổ, bay trên không…, ê-kíp lại xử lý không tốt, mang lại cảm giác giả tạo, sống sượng. Bộ phim chỉ có thể vớt vát chút cảm tình của khán giả bằng diễn xuất của dàn sao gồm Song Il Kook, Han Chae Young…

Theo zing.vn

Bài viết đóng góp, xin gửi về email: saoonline.net.vn@gmail.com